Vi phạm quy định về giãn cách xã hội, bị phạt thế nào?

31/05/2021 | 696

Vi phạm quy định về giãn cách xã hội, bị phạt thế nào?

Giãn cách xã hội là biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 mà Nhà nước đặt ra trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy hiểm.

Nếu cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội như: Tụ tập đông người, mở cửa hàng ăn uống,… thì người vi phạm có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định 117 năm 2020 với mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng về hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Ngoài ra, để răn đe và ngăn chặn những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP còn quy định các mức phạt khác như:

– Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

+ Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;

+ Không báo cáo với Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

– Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

+ Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch;

+ Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch;

+ Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch;

– Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

+ Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A;

+ Đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch…

– Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

+ Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch;

+ Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;

+ Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch…

Không chỉ bị xử phạt hành chính, trong trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 mà lây bệnh cho người khác, người thực hiện còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt lên đến 12 năm tù.

3 trường hợp được ra đường trong thời gian giãn cách xã hội

Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, người dân được yêu cầu ở tại nhà, hạn chế tối đa ra ngoài và chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.

Cụ thể, Công văn 2601/VPCP-KGVX năm 2020 hướng dẫn Chỉ thị 16 có nêu ra 3 trường hợp được cho là thật sự cần thiết để người dân được phép ra khỏi nhà trong thời gian giãn cách xã hội:

– Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

– Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…

– Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở làm việc không bị đóng cửa như:

+ Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng;

+ Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…);

+ Cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… được tiếp tục hoạt động.

Nếu ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Ngoài việc yêu cầu người dân hạn chế đi lại, ra ngoài khi không cần thiết, Chỉ thị 16 còn đặt ra một số biện pháp khác để chống dịch như:

– Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh;

– Hoạt động của phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định;- Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.
 

Công ty Tư vấn Lợi Thế  đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệthuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.

Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.

Hotline: 0987.860.038 (zalo/facebook, Ms Thắm)