Tìm hiểu về giấy ủy quyền

17/03/2022 | 313

Ủy quyền là việc thỏa thuận của các bên theo đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Ủy quyền là một trong hai hình thức đại diện theo quy định của pháp luật được ghi nhận tại Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (gọi là đại diện theo ủy quyền) hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (gọi chung là đại diện theo pháp luật).

Hình thức ủy quyền

Hình thức ủy quyền hiện nay được thể hiện gián tiếp tại khoản 1 Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015 về thời hạn đại diện, cụ thể: Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

Theo quy định nêu trên, pháp luật vẫn ghi nhận hình thức ủy quyền bằng văn bản nhưng cũng không quy định việc ủy quyền không được thể hiện bằng hình thức khác.

Thời hạn của giấy ủy quyền

Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015 không quy định cụ thể về giấy ủy quyền, mà quy định về ủy quyền thông qua hợp đồng.

Theo Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Như vậy theo quy định trên thời hạn của hợp đồng ủy quyền được xác định trong ba trường hợp:

– Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận;

– Thời hạn ủy quyền do pháp luật quy định;

– Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền

Theo Điều 569 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền như sau:

– Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

– Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.

Một số lưu ý đối với hợp đồng ủy quyền

– Khi thỏa thuận thời hạn của hợp đồng ủy quyền, các bên cần lưu ý thỏa thuận một ngày, tháng, năm cụ thể hoặc một số lượng ngày, tháng hoặc năm tính từ mốc ngày bắt đầu hiệu lực của hợp đồng ủy quyền.

– Các bên có thể thỏa thuận hợp đồng ủy quyền sẽ đương nhiên bị chấm dứt trong các trường hợp:

+ Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;

+ Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

+ Người đại diện không còn đủ điều kiện phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện;

+ Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.

Một số trường hợp sử dụng giấy ủy quyền của doanh nghiệp

Việc ủy quyền được tiến hành trong một số trường hợp sau đây:

– Thành lập doanh nghiệp (Điều 11 Nghị định 78/2015/NĐ-CP).

– Tiến hành tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp (Điều 44 Nghị định 78/2015/NĐ-CP).

– Công ty mẹ ủy quyền cho công ty con (khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014).

– Doanh nghiệp ủy quyền cho luật sư tham gia tranh tụng tại Tòa án (khoản 1 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

– Đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Điều 46 Nghị định 78/2015/NĐ-CP).

– Ủy quyền kê khai thuế.

– Ủy quyền dịch thuật hợp đồng hợp tác.

– Các giao dịch khác theo quy định của pháp luật.

Công ty Tư vấn Lợi Thế  đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệthuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.

Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.

Hotline: 0987.860.038 (zalo/facebook, Ms Thắm)