Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 6
30/05/2024 | 208Bổ sung trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép
Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô, dịch vụ đào tạo lái xe ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe.
So với Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 41/2024/NĐ-CP mới ban hành đã bổ sung thêm trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.
Theo đó, nhà xe sẽ bị thu hồi giấy phép nếu không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 6 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời gian 6 tháng liên tục trở lên; Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu cũng sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.
Nghị định số 41/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6/2024.
Sửa Điều kiện vay vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chính phủ ban hành Nghị định 45/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về nguyên tắc cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ), Điều 15 Nghị định số 39/2019/NĐ-CP quy định: Hoạt động cho vay của Quỹ được thực hiện theo thỏa thuận giữa Quỹ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với quy định tại Nghị định này; Doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn của Quỹ phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận với Quỹ; Đồng tiền cho vay, trả nợ là đồng Việt Nam.
Ngoài 3 nguyên tắc trên, Nghị định 45/2024/NĐ-CP bổ sung thêm nguyên tắc: Doanh nghiệp đã được vay vốn của Quỹ được xem xét cho vay đối với dự án, phương án sản xuất, kinh doanh mới từ nguồn vốn của Quỹ nếu doanh nghiệp đã hoàn trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn.
Nguyên tắc này nhằm hạn chế một doanh nghiệp trong cùng một giai đoạn vay vốn dàn trải cho nhiều dự án, phương án sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, sau khi doanh nghiệp hoàn trả hết sẽ đủ cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả, khả năng và nhu cầu thực sự hỗ trợ lần tiếp theo.
Bên cạnh đó, Nghị định 45/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung về khoản 1,2,3 Điều 16 về điều kiện vay vốn.
Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm
Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong đó, Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ cho tổ chức theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.
Phạm vi tài sản được chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hoặc một phần tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thu phí sử dụng đường bộ theo quy định của pháp luật (trừ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí).
Việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.
Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa là 10 năm, phù hợp với từng tài sản (một phần tài sản) kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 44/2024/NĐ-CP phê duyệt tại Quyết định phê duyệt Đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản.
5 tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” nghề thủ công mỹ nghệ
Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân,” “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.Nghị định có hiệu lực ngày 6/6/2024 quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân,” “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.
Theo Nghị định, danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ được tặng cho cá nhân đã được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ và đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương;
2. Có thời gian hoạt động liên tục trong nghề thủ công mỹ nghệ hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên;
3. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, kính trọng; là đại diện tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước;
4. Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc.
Nghị định nêu rõ, Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân,” “Nghệ nhân ưu tú” được thành lập ở từng cấp Hội đồng (Hội đồng cấp tỉnh; Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ; Hội đồng cấp Nhà nước), theo từng lần xét tặng, các Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân,” “Nghệ nhân ưu tú” có nhiệm vụ tổ chức việc xét tặng bảo đảm đúng quy định; công khai danh sách các cá nhân đề nghị xét tặng và kết quả xét chọn trên các phương tiện truyền thông; hoàn chỉnh hồ sơ xét tặng, trình Hội đồng có thẩm quyền; xem xét, giải quyết các kiến nghị liên quan đến việc xét tặng.
Hội đồng xét tặng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai, bỏ phiếu kín.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Nghị định, nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc; hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện; bảo đảm an toàn cộng đồng và xã hội; bảo vệ môi trường; Bảo đảm tôn trọng sự đa dạng văn hóa, vai trò của cộng đồng chủ thể và tính đặc thù dân tộc, vùng miền.
Di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng khác nhau đều được tôn trọng như nhau.
Cùng với đó, ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội; ưu tiên quyền quyết định của cộng đồng chủ thể vì sự tồn tại, thực hành lâu dài, liên tục của di sản, phù hợp với ý nghĩa và chức năng của di sản, phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam và văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.Nghị định số 39/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/6/2024./.
Công ty Tư vấn Lợi Thế đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.
Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.