Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
17/04/2024 | 371Ngày 16/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghị định gồm 4 chương, 26 điều, trong đó: chương I. Quy định chung; chương II. Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia; chương III. Trách nhiệm quản lý về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; chương IV. Điều khoản thi hành.
Nghị định quy định rõ 6 nguyên tắc trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể là: Cộng đồng chủ thể phải đảm bảo duy trì tính liên tục trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể đúng với giá trị, bản chất và chức năng của di sản; giảm nguy cơ mai một, thất truyền; Bảo đảm gìn giữ giá trị của di sản với các hình thức thể hiện, hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật và không gian thực hành liên quan; không đưa những yếu tố không phù hợp vào di sản; Bảo đảm bao quát quy trình thực hành, nội dung, hoạt động, các yếu tố cấu thành của di sản với sự tham gia của cộng đồng chủ thể vào thực hành di sản; Không phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản; Không lợi dụng thực hành di sản và danh hiệu của di sản để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi, hoạt động trái pháp luật; Bảo đảm tôn trọng và bảo vệ giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán, tính thiêng của nghi lễ và không gian thực hành của di sản văn hóa phi vật thể.
Cũng theo Nghị định, trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phải đảm bảo 6 nguyên tắc là: Bảo đảm quyền và nguyên tắc thực hành di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng chủ thể; Bảo đảm các di sản văn hóa phi vật thể được thực hành hướng con người, cộng đồng tới các giá trị văn hóa tốt đẹp; gìn giữ bản sắc; hướng tới sự phát triển xã hội toàn diện; bảo đảm an toàn cộng đồng và xã hội; bảo vệ môi trường; Bảo đảm tôn trọng sự đa dạng văn hóa, vai trò của cộng đồng chủ thể và tính đặc thù dân tộc, vùng miền. Di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng khác nhau đều được tôn trọng như nhau; Bảo đảm tôn trọng quyền của các cộng đồng chủ thể trong việc quyết định những yếu tố cần được bảo vệ và phát huy của di sản văn hóa phi vật thể và hình thức, mức độ cần được bảo vệ, phát huy; Ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn, đặc thù, di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội; Ưu tiên quyền quyết định của cộng đồng chủ thể vì sự tồn tại, thực hành lâu dài, liên tục của di sản, phù hợp với ý nghĩa và chức năng của di sản, phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa của Việt Nam và văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nghị định quy định rõ 07 loại hình di sản được thực hiện kiểm kê gồm: Tiếng nói chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian.
Nội dung kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể gồm Nhận diện và xác định tên gọi của di sản; loại hình di sản; địa danh, phạm vi phân bố của di sản; chủ thể di sản; quá trình ra đời, tồn tại của di sản; các hình thức biểu hiện, biểu đạt, quy trình thực hành, công trình kiến trúc, hiện vật và không gian văn hóa liên quan cùng với các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể; hiện trạng thực hành di sản, khả năng duy trì, các yếu tố tác động tới sự tồn tại của di sản, nguy cơ, nguyên nhân mai một của di sản văn hóa phi vật thể; giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng hiện nay; đồng thời đề xuất biện pháp bảo vệ và lập thư mục tài liệu có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể.
Thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách đại diện: 06 (sáu) năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO. Thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp: 04 (bốn) năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO. Thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia: 03 (ba) năm một lần tính từ thời điểm được ghi danh.
Nghị định cũng quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và trong Danh mục của quốc gia như: tổ chức truyền dạy; tổ chức liên hoan; thực hiện chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu, phục hồi, phát huy và bảo vệ giá trị di sản văn hóa phi vật thể; trách nhiệm xây dựng, trình tự, hồ sơ và thẩm quyền phê duyệt đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…
Nghị định 39/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2024.
Công ty Tư vấn Lợi Thế đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.
Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.