Tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân?
14/05/2020 | 895HỎI:
Tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân? (anh Truyền – Tiên Lữ)
ĐÁP:
Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Được thành lập theo quy định của pháp luật (Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan).
– Có cơ cấu tổ chức theo quy định của pháp luật. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
– Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Theo quy định tại Điều 81 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.
Trong khi đó:
– Doanh nghiệp tư nhân được cá nhân thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp.
– Cơ cấu tổ chức của Doanh nghiệp tư nhân được thực hiện theo quy định của Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014: Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh.
– Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014: Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.
– Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Như vậy, ở tiêu chí này, tài sản của doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân không có tính độc lập rõ ràng do không có ranh giới. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể tăng hoặc giảm số vốn đầu tư bất cứ lúc nào. Đồng nghĩa vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng có thể được chủ doanh nghiệp tư nhân sử dụng như tài sản cá nhân.
– Về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ, Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân bằng toàn bộ tài sản của mình chứ không dừng lại ở số vốn đăng ký đầu tư của Doanh nghiệp tư nhân.
– Trong quan hệ tố tụng, doanh nghiệp tư nhân không được nhân danh mình để tham gia với tư cách độc lập mà tư cách tham gia là của Chủ doanh nghiệp tư nhân. (Khoản 3, Điều 185, Luật doanh nghiệp 2014: Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp).
Từ các so sánh, phân tích trên, chúng ta thấy:
– Tài sản của doanh nghiệp tư nhân không có tính độc lập với cá nhân chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân; Chủ doanh nghiệp tư nhân tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp chứ không phải doanh nghiệp tư nhân.
– Trong quan hệ tố tụng tại Tòa án và Trọng tài: Doanh nghiệp tư nhân không được độc lập nhân danh mình để tham gia.
Do đó, có thể kết luận: Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.
Trên đây là nội dung giải đáp tại sao Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân của Tư vấn Lợi Thế. Nếu có vấn đề gì mà quý khách còn vướng mắc, băn khoăn, hãy liên hệ với luật sư của chúng tôi qua số điện thoại 0987.860.038 hoặc email hoangtham.ltk@gmail.com