Lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào khi khởi nghiệp?
14/05/2020 | 1025Trước khi khởi nghiệp thành công, bạn cần một quãng thời gian chuẩn bị và hiện thực ước mơ. Trong giai đoạn đầu đó, chắc hẳn không ít bạn băn khoăn, thậm chí lúng túng nên chọn loại hình doanh nghiệp nào?
Tư vấn Lợi Thế xin được chia sẻ với các bạn những ưu, nhược điểm của từng loại hình kinh doanh, từng loại hình doanh nghiệp. Hy vọng qua đây, các bạn sẽ có những nhận định chính xác và vững tin vào quyết định chọn lựa loại hình phù hợp nhất với ý tưởng kinh doanh của mình.
- Hộ kinh doanh cá thể:
Hộ kinh doanh cá thể là gì?
Hộ kinh doanh cá thể là hình thức kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Một số lưu ý khi thành lập hộ kinh doanh cá thể
- Thuế đối với hộ kinh doanh cá thể là thuế khoán và thuế giá trị gia tăng trực tiếp không được khấu trừ thuế đối với bạn hàng, do đó nhiều đối tác cân nhắc khi mua hàng hóa của hộ kinh doanh cá thể;
- Việc kê khai thuế của hộ kinh doanh cá thể đơn giản, phù hợp đối với các chủ thể có nhu cầu kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân, dịch vụ ăn uống…
- Hộ kinh doanh cá thể không có tư cách pháp nhân nên phải chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản dân sự của chủ hộ về hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể đây là hạn chế của hộ cá thể so với công ty TNHH và Công ty cổ phần, cụ thể người góp vốn, góp cổ phần chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp đưa vào hoạt động kinh doanh;
- Hộ cá thể chỉ được sử dụng tối đa 09 lao động;
- Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh: Đối với hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động thì phải chọn một địa điểm cố định để đăng ký hộ kinh doanh. Địa điểm này có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi đăng ký tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất, nơi đặt địa điểm thu mua giao dịch. Hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.
- Hộ kinh doanh cá thể được quyền chuyển đổi thành doanh nghiệp: công ty TNHH và công ty cổ phần. Theo đó, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanhnơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên thực hiện theo từng loại hình doanh nghiệp.
- Loại hình doanh nghiệp tư nhân:
Loại hình doanh nghiệp tư nhân là gì?
Đây là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân đứng lên xây dựng làm chủ, chịu trách nhiệm với pháp luật về các hoạt động cũng như tài sản của doanh nghiệp và chịu một số giới hạn so với doanh nghiệp nhà nước.
Một số lưu ý khi thành lập doanh nghiệp tư nhân:
– Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán để huy động vốn trong kinh doanh và không có tư cách pháp nhân.
– Mỗi một cá nhân chỉ được thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
– Cá nhân đó là người có thể đứng lên điều hành trực tiếp hoặc gián tiếp những hoạt động của doanh nghiệp và phải chịu toàn bộ về các khoản nợ cũng như lãi suất của doanh nghiệp đó.
– Vốn của doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tư nhân tự khai, chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ khai báo chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ: số vốn bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và các tài sản khác. Đối với vốn bằng tài sản khác cũng phải ghi rõ loại tài sản, số lượng, giá trị còn lại của mỗi loại tài sản. Toàn bộ vốn và tài sản, kể cả vốn vay và tài sản thuê, được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân đều được phải ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp tư nhân. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng, giảm vốn đầu tư của của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đó đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đó khai báo với cơ quan đăng ký kinh doanh.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp, có nghĩa là chủ doanh nghiệp có trách nhiệm chịu toàn bộ các tài sản của mình trong kinh doanh lẫn ngoài kinh doanh của doanh nghiệp đó.
- Loại hình doanh nghiệp công ty TNHH:
Đây là loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay. Loại hình doanh nghiệp này gồm Công ty TNHH có 2 thành viên trở lên và công ty TNHH 1 thành viên.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên (thuộc điều 38, Luật doanh nghiệp) là doanh nghiệp trong đó có thành viên của công ty có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên công ty không vượt quá 50 . Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp. Phần vốn của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại Điều 43, 44, 45 của Luật Doanh nghiệp.
– Công ty TNHH có tư cách pháp nhân từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh.
– Vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng hoặc không bằng nhau. Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên chịu trách nhiệm bằng tài sản của công ty; các thành viên công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi phần vốn cam kết góp vào công ty.
– Trong suốt quá trình hoạt động, ít nhất phải có từ hai thành viên và tối đa không quá 50 thành viên tham gia công ty.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn không được quyền phát hành cổ phần. Phần vốn góp của các thành viên công ty được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Điều 63 Luật doanh nghiệp 2005), là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ của doanh nghiệp.
– Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần.
– Việc chuyển nhượng vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Loại hình doanh nghiệp Công ty cổ phần
Đây là loại hình doanh nghiệp Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần (điều 77, Luật doanh nghiệp).
– Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp các cổ đông có thể bán các cổ phần hoặc chuyển nhượng cổ phần của mình cho các thành viên hay cá nhân khác.
– Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa.
– Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
– Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau hoặc gọi là cổ phần. Mỗi cổ phần được thể hiện dưới dạng văn bản chứng chỉ do công ty phát hành bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty gọi là cổ phiếu. Giá trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phiếu. Một cổ phiếu có thể phản ánh mệnh giá của một hay nhiều cổ phần. Việc góp vốn vào công ty được thực hiện bằng việc mua cổ phần. Mỗi cổ đông có thể mua nhiều cổ phần.
– Các cổ phiếu của công ty cổ phần được coi là hàng hoá, được mua, bán, chuyển nhượng tự do theo quy định của pháp luật.
- Loại hình doanh nghiệp công ty hợp danh:
Công ty hợp danh là một loại hình doanh nghiệp có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn.
Có 2 loại công ty hợp danh: Loại thứ nhất là những công ty giống với công ty hợp danh theo pháp luật các nước, tức là chỉ bao gồm những thành viên hợp danh (chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty); Loại thứ hai là những công ty có cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn (chịu trách nhiệm hữu hạn) và cũng là một loại hình của công ty đối nhân.
– Thành viên hợp danh là cá nhân chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
– Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty;
– Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Trong quá trình hoạt động, công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
– Trong quá trình hoạt động, công ty hợp danh có quyền tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn. Việc tiếp nhận thêm thành viên phải được Hội đồng thành viên chấp thuận. Thành viên hợp danh mới được tiếp nhận vào công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty (trừ khi có thoả thuận khác).
– Tư cách thành viên công ty của thành viên hợp danh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
+ Thành viên chết hoặc bị toà án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
+ Thành viên tự nguyện rút khỏi công ty hoặc bị khai trừ khỏi công ty. Khi tự nguyện rút khỏi công ty hoặc bị khai trừ khỏi công ty trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên, thành viên hợp danh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty đã phát sinh trước khi đăng ký việc chấm dứt tư cách thành viên đó với cơ quan đăng ký kinh doanh.
– Công ty hợp danh có thể có thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Là thành viên của công ty đối nhân, nhưng thành viên góp vốn hưởng chế độ trách nhiệm tài sản như một thành viên của công ty đối vốn. Chính điều này là lý do cơ bản dẫn đến thành viên góp vốn có thân phận pháp lý khác với thành viên hợp danh. Bên cạnh những thuận lợi được hưởng từ chế độ trách nhiệm hữu hạn, thành viên góp vốn bị hạn chế những quyền cơ bản của một thành viên công ty. Thành viên góp vốn không được tham gia quản lý công ty, không được hoạt động kinh doanh nhân danh công ty. Pháp luật nhiều nước còn quy định nếu thành viên góp vốn hoạt động kinh doanh nhân danh công ty thì sẽ mất quyền chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ của công ty. Các quyền và nghĩa vụ cụ thể của thành viên góp vốn được quy định trong Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Trên đây là chia sẻ của Tư vấn Lợi Thế về những loại hình kinh doanh và doanh nghiệp phổ biến nhất.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ với luật sư của chúng tôi qua số điện thoại 0987.860.038 hoặc email hoangtham.ltk@gmail.com