Những điều cần biết về thành lập phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã
22/12/2022 | 242Theo khoản 4 Điều 3 Thông tư 09/2018/TT-NHNN, phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã là loại hình chi nhánh, đơn vị phụ thuộc ngân hàng hợp tác xã, được quản lý bởi một chi nhánh của ngân hàng hợp tác xã, có con dấu, có địa điểm đặt trụ sở trên địa bàn hoạt động của chi nhánh quản lý, có nhiệm vụ thực hiện một hoặc một số chức năng của ngân hàng hợp tác xã theo quy định nội bộ và quy định của pháp luật.
Phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã hoạt động trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên địa bàn hoạt động của chi nhánh quản lý.
Tên phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã phải đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan và được đặt như sau: Ngân hàng Hợp tác xã – Chi nhánh “tên chi nhánh” (là chi nhánh quản lý phòng giao dịch) – Phòng giao dịch “tên phòng giao dịch” hoặc Ngân hàng Hợp tác xã – Phòng giao dịch “tên phòng giao dịch”.
– Trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngân hàng hợp tác xã được thành lập 01 chi nhánh;
– Ngân hàng hợp tác xã được thành lập mới không quá 05 chi nhánh 01 năm;
– Một chi nhánh không quản lý quá 03 phòng giao dịch.
Điều kiện thành lập phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã
Điều kiện thành lập phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã được quy định tại Điều 12 Thông tư 09/2018/TT-NHNN bao gồm:
– Có nhu cầu thành lập phòng giao dịch để đáp ứng nhu cầu điều hòa vốn và hỗ trợ cho các hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân thành viên trên địa bàn;
– Đáp ứng các điều kiện sau:
+ Có giá trị thực vốn Điều lệ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị không thấp hơn mức vốn pháp định.
+ Hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của năm trước liền kề năm đề nghị thành lập chi nhánh.
+ Không vi phạm quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước liên tục trong 12 tháng đến thời điểm đề nghị.
+ Thực hiện đúng các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước năm đề nghị và tại thời điểm gần nhất thời điểm đề nghị; tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước năm đề nghị và tại thời điểm đề nghị không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
+ Tại thời điểm đề nghị, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát có số lượng và cơ cấu theo đúng quy định của pháp luật, không bị khuyết Tổng Giám đốc.
+ Tại thời điểm đề nghị, ngân hàng hợp tác xã có kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan.
+ Có quy chế về quản lý mạng lưới theo quy định tại Điều 9 Thông tư 09/2018/TT-NHNN.
+ Không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp không được mở rộng mạng lưới theo quy định của pháp luật về xử lý sau thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng.
Hồ sơ đề nghị chấp thuận thành lập phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã
(1) Văn bản của ngân hàng hợp tác xã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp theo mẫu Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 09/2018/TT-NHNN.
(2) Nghị quyết của Đại hội thành viên hoặc Nghị quyết của Hội đồng quản trị theo quy định tại Điều lệ của ngân hàng hợp tác xã về việc thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.
(3) Đề án thành lập có tối thiểu các nội dung sau:
(i) Tên đầy đủ bằng tiếng Việt; tên viết tắt bằng tiếng Việt; địa chỉ;
(ii) Lý do, nhu cầu thành lập và lý do lựa chọn địa bàn thành lập;
(iii) Cơ cấu tổ chức: Sơ đồ tổ chức của chi nhánh, phòng giao dịch;
(iv) Dự kiến nhân sự chủ chốt (Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng giao dịch, Trưởng các bộ phận chuyên môn hoặc chức danh tương đương);
(v) Tên, địa điểm của chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch; việc đáp ứng các Điều kiện của chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 09/2018/TT-NHNN;
(vi) Nghiên cứu khả thi: Phân tích môi trường kinh doanh, thị trường Mục tiêu, các cơ hội kinh doanh và kế hoạch chiếm lĩnh thị trường, nhu cầu phục vụ quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn;
(vii) Phương án kinh doanh dự kiến trong 03 năm đầu, trong đó tối thiểu bao gồm: nội dung hoạt động, đối tượng khách hàng chính, dự kiến bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, căn cứ xây dựng phương án và thuyết minh khả năng thực hiện phương án trong từng năm.
Trình tự thành lập phòng giao dịch của ngân hàng hợp tác xã
– Bước 1: Ngân hàng hợp tác xã lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 13 Thông tư 09/2018/TT-NHNN gửi Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
– Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ:
+ Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi lấy ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về sự cần thiết và việc đặt trụ sở chi nhánh ngân hàng hợp tác xã trên địa bàn;
+ Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có văn bản gửi lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi ngân hàng hợp tác xã dự kiến thành lập chi nhánh, phòng giao dịch (trừ tỉnh, thành phố nơi có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng) về sự cần thiết có thêm chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn; việc đáp ứng Điều kiện đối với chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch (trong trường hợp thành lập phòng giao dịch).
– Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, các đơn vị có ý kiến tham gia bằng văn bản về các nội dung được đề nghị.
– Bước 4: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến tham gia của các đơn vị tại khoản 2 Điều này hoặc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước, văn phòng đại diện ở nước ngoài, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận việc ngân hàng hợp tác xã thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.
– Bước 5: Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của ngân hàng hợp tác xã đề nghị thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận việc ngân hàng hợp tác xã thành lập chi nhánh, phòng giao dịch; các trường hợp không chấp thuận, văn bản nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận, ngân hàng hợp tác xã phải khai trương hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch. Quá thời hạn này, văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đương nhiên hết hiệu lực.
– Bước 6: Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của ngân hàng hợp tác xã đề nghị thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước, văn phòng đại diện ở nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận việc ngân hàng hợp tác xã thành lập văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước, văn phòng đại diện ở nước ngoài; trường hợp không chấp thuận, văn bản nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận, ngân hàng hợp tác xã phải khai trương hoạt động văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước, văn phòng đại diện ở nước ngoài. Quá thời hạn này, văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đương nhiên hết hiệu lực.
Công ty Tư vấn Lợi Thế đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn Giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.
Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.