Nhận diện doanh nghiệp lừa đảo vay vốn ngân hàng để chiếm đoạt – Nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn
09/08/2023 | 218Trong nhiều năm qua, tình trạng doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, được bảo đảm bằng tài sản thế chấp của bên thứ ba, nhưng sau đó vì nhiều lý do đã chây ỳ, không trả nợ, đẩy trách nhiệm sang cho bên thế chấp đã diễn ra rất phổ biến và trở thành một vấn nạn trong xã hội hiện nay. Bài viết nêu lên thực trạng doanh nghiệp với những thủ đoạn tạo ra để vay vốn ngân hàng nhằm mục đích chiếm đoạt, đồng thời chỉ ra các nguyên nhân và giải pháp nhằm ngăn chặn vấn đề này hiện nay.
Thực trạng doanh nghiệp lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng
Đã có hàng ngàn cá nhân, hộ gia đình, chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, lại nhẹ dạ cả tin, cho nên đã cho doanh nghiệp của người thân, người quen mượn giấy tờ nhà đất (sổ đỏ/sổ hồng) để thế chấp vay vốn ngân hàng. Hợp đồng thế chấp được ký, công chứng, chứng thực theo đúng trình tự thủ tục luật định. Sau khi được giải ngân vốn vay, doanh nghiệp đã không có ý thức trả nợ, sử dụng vốn vay sai mục đích, làm mất vốn, khiến cho khoản vay chuyển thành khoản nợ xấu của ngân hàng. Để thu hồi tiền cho vay, ngân hàng đã phải khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết buộc doanh nghiệp trả nợ; trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế, kê biên bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cho ngân hàng.
Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, theo đó, cơ chế xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng được thực hiện nhanh và thuận tiện hơn. Nghị quyết này còn quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để xử lý thu hồi nợ. Vì vậy, việc xử lý tài sản bảo đảm mà người dân thế chấp bảo đảm cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đã diễn ra nhiều và nhanh hơn; rất nhiều cá nhân, hộ gia đình đã bị mất đất, mất nhà và lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn, bi đát, không còn nhà để ở, trong khi, những cá nhân, hộ gia đình này không được tiêu bất kỳ một đồng tiền nào của ngân hàng mà doanh nghiệp đã vay. Thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng giữa người khởi kiện là ngân hàng (bên cho vay, bên nhận thế chấp) với người bị kiện là doanh nghiệp (bên vay) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bên thế chấp) thì kết quả giải quyết các vụ án này, đại đa số ngân hàng là “bên thắng”, doanh nghiệp là “bên thua”, người thế chấp là “bên thiệt”. Ngân hàng thì thu được nợ cả gốc và lãi; doanh nghiệp mặc dù đã tiêu hết tiền vay nhưng không còn gì để trả, nên không phải trả; người thế chấp thì không được tiêu tiền vay nhưng lại phải trả nợ cho ngân hàng cả gốc và lãi bằng chính giá trị tài sản bảo đảm của mình. Nếu không muốn bị mất đất, mất nhà thì người thế chấp phải tự bỏ tiền túi của mình ra hoặc đi vay, đi mượn để trả nợ cho ngân hàng thay cho doanh nghiệp. Đây là một nghịch lý.
Đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, vay vốn ngân hàng để kinh doanh thực sự, sử dụng vốn vay đúng mục đích và luôn có ý thức trả nợ, nhưng do kinh doanh gặp phải rủi ro, thua lỗ, dẫn đến lâm vào tình trạng mất khả năng trả nợ cho ngân hàng, khiến bên thế chấp phải đứng ra trả nợ thay thì không có điều gì phải chê trách. Nhưng, trong thực tế, có hàng ngàn doanh nghiệp được thành lập ra chỉ để làm “vỏ bọc” cho các đối tượng lừa đảo đi lừa dối những người dân lương thiện, thiếu hiểu biết pháp luật, nhẹ dạ cả tin cho những doanh nghiệp này mượn giấy tờ nhà đất để làm thủ tục thế chấp vay tiền ngân hàng, rồi chiếm đoạt. Khi mượn giấy tờ nhà đất, những doanh nghiệp này đã đưa ra rất nhiều lời hứa, lời cam kết với người cho mượn rằng, doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, sẽ trả nợ vay ngân hàng đầy đủ, đúng thời hạn và sẽ giải chấp nhà đất để trả lại giấy tờ nhà đất cho gia đình bất kể khi nào cần thiết…
Thế nhưng, sau khi vay được tiền của ngân hàng rồi thì doanh nghiệp đã bỏ mặc, không quan tâm đến việc trả nợ cho ngân hàng nữa, có chăng họ chỉ trả được một vài tháng tiền lãi, sau đó thì dừng hẳn, rồi một thời gian sau thì thông báo tạm ngừng kinh doanh hoặc có những vi phạm khác làm cho cơ quan đăng ký kinh doanh rút giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan thuế khóa mã số thuế. Sở dĩ những doanh nghiệp dạng này không trả được nợ cho ngân hàng là vì doanh nghiệp không có hoạt động kinh doanh gì; các doanh nghiệp này được lập ra chỉ để làm “vỏ bọc” bề ngoài cho các đối tượng chủ mưu thành lập ra nó lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Thủ đoạn lừa đảo mà những đối tượng này sử dụng là:
Bước 1: Thành lập doanh nghiệp
Những đối tượng lừa đảo nói trên sẽ cùng nhau thành lập hoặc nhờ người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột, họ hàng, bạn bè thân thiết) đứng tên góp vốn để lập ra nhiều công ty khác nhau (doanh nghiệp lừa đảo); vị trí người đại diện theo pháp luật của các công ty này sẽ do những đối tượng cốt cán, chủ mưu nắm giữ hoặc giao cho người mà chúng có thể kiểm soát, điều khiển được nắm giữ.
Bước 2: Lập hồ sơ vay vốn (giả)
Hồ sơ vay vốn ngân hàng (giả) bao gồm các tài liệu sau đây:
– Phương án vay vốn (giả). Mục đích vay vốn thường được ghi là “thanh toán tiền hàng theo hợp đồng…”. Tài liệu kèm theo phương án vay vốn (giả) này sẽ có: hợp đồng mua bán hàng hóa (giả) được ký kết giữa các công ty do những đối tượng lừa đảo đã lập ra nói trên với nhau; văn bản giao nhận hàng hóa (giả, không có hàng); hóa đơn tài chính (thật) nhưng sẽ không hạch toán; một số tài liệu phụ trợ liên quan khác.
– Hồ sơ tài sản bảo đảm gồm:
+ Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba (là thật; tài sản thế chấp thường là nhà đất). Hợp đồng thế chấp này có thể do chính người chủ tài sản thế chấp ký hoặc đã bị những đối tượng lừa đảo lừa ký hợp đồng ủy quyền cho chúng quản lý, sử dụng và định đoạt nhà đất hoặc bị chúng lừa ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất (giả tạo) sang tên cho chính đối tượng mượn “sổ đỏ” hoặc người khác do chúng chỉ định, sau đó mới mang đi thế chấp cho ngân hàng;
+ Biên bản định giá tài sản bảo đảm (là thật; nhưng, giá trị tài sản bảo đảm thường đã bị nâng khống cao hơn giá trị thật của tài sản);
+ Một số tài liệu phụ trợ liên quan khác.
Để có được một bộ hồ sơ vay vốn đầy đủ như trên, không thể không có sự tiếp tay, giúp sức của một số cán bộ, nhân viên có thẩm quyền của ngân hàng cho vay trong việc xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn của những doanh nghiệp này, thậm chí họ còn hướng dẫn, làm thay cho doanh nghiệp trong việc lập, kê khai hồ sơ; doanh nghiệp chỉ việc ký, đóng dấu theo sự hướng dẫn của họ là được.
Bước 3: Giải ngân khoản vay
Sau khi hồ sơ vay vốn được phê duyệt, ngân hàng giải ngân khoản vay về tài khoản của công ty bán hàng sau khi công ty mua hàng ký khế ước nhận nợ đối với số tiền được giải ngân. Cả 2 công ty mua và bán hàng này đều là các công ty do những đối tượng lừa đảo nói trên lập ra, quản lý và điều hành.
Bước 4: Chiếm đoạt
Sau khi tiền về, các đối tượng lừa đảo sẽ chỉ đạo nhân viên rút ra để chi tiêu cá nhân hoặc sử dụng vào mục đích khác, rồi bỏ mặc không quan tâm đến việc trả nợ cho ngân hàng nữa vì đã có bên thế chấp tài sản gánh chịu trách nhiệm thay. Sở dĩ các đối tượng lừa đảo phải lập ra nhiều công ty như vậy là để nhằm các mục đích sau:
1) Làm cho người có tài sản tin rằng, các đối tượng này có doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, có phương án kinh doanh khả thi… nên đã cho chúng mượn giấy tờ nhà đất để làm thủ tục thế chấp, đứng ra ký hợp đồng thế chấp nhà đất của mình bảo đảm cho doanh nghiệp của bọn chúng vay vốn ngân hàng;
2) Dễ dàng “che mắt” được các cơ quan bảo vệ pháp luật;
3) Kiểm soát được toàn bộ khoản tiền vay do ngân hàng giải ngân, để chắc chắn chiếm đoạt được.
Hiện nay, hiện tượng lừa đảo trên không những không thuyên giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu và ngăn chặn được thì sẽ còn có thêm hàng trăm, hàng ngàn người dân bị lừa mất nhà, sẽ có nhiều ngân hàng bị lừa đảo mất tiền, làm cho nợ xấu ngân hàng không ngừng gia tăng, đe dọa đến sự an toàn của cả hệ thống tín dụng, sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.
Nguyên nhân và các giải pháp ngăn chặn
Những nguyên nhân chính
Thời gian qua, phương thức lừa đảo nói trên đã xuất hiện và phát triển nở rộ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, xuất phát từ những nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, do người dân thiếu hiểu biết pháp luật, nhẹ dạ cả tin, cho nên đã mắc lừa các đối tượng lừa đảo, đã cho chúng mượn giấy tờ nhà đất, đứng ra ký hợp đồng thế chấp nhà đất của mình để bảo đảm cho doanh nghiệp của những đối tượng này vay tiền ngân hàng, tạo điều kiện cho chúng có cơ hội chiếm đoạt.
Thứ hai, do các đối tượng lừa đảo đã dùng thủ đoạn rất tinh vi như trên, cho nên chúng đã dễ dàng đánh lừa được người cho mượn tài sản bảo đảm, và “che mắt” được các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Thứ ba, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, nhân viên ngân hàng cho vay trong quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp. Hình thức tiếp tay, bao che phổ biến là:
– Xem xét, thẩm định phương án vay vốn một cách chiếu lệ, hời hợt, nên không phát hiện ra phương án vay vốn giả hoặc phát hiện ra phương án vay vốn giả nhưng làm ngơ để được hưởng lợi;
– Xem xét, thẩm định hồ sơ tài sản bảo đảm thuần túy trên giấy, không đến thực địa để xem xét, cho nên không phát hiện ra hồ sơ tài sản bảo đảm có vấn đề, như: quyền sở hữu tài sản bảo đảm của một người (chủ sở hữu thực sự), nhưng đã bị chuyển dịch sang cho một người khác bằng một giao dịch giả tạo, sau đó người này mang tài sản đi thế chấp để bảo đảm cho doanh nghiệp lừa đảo vay tiền ngân hàng (đây là một hiện tượng vô cùng phổ biến);
– Nâng khống giá trị tài sản bảo đảm để ngân hàng duyệt hạn mức cho vay cao hơn. Trong trường hợp này, những cán bộ, nhân viên ngân hàng đã gian dối trong việc mô tả vị trí bất động sản thế chấp, để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm lên cao hơn so với giá trị thật của nó hàng chục lần. Bất động sản thế chấp nằm sâu trong xóm, đường vào lắt léo, ngõ, ngách quanh co, chật hẹp, hai xe máy tránh nhau còn gặp khó khăn, nhưng lại được mô tả vị trí là “… tài sản bảo đảm nằm tại trung tâm xã HB, nằm trong làng nghề đông dân cư, gần đường giao thông chính, thuận tiện đi lại nên tài sản dễ chuyện nhượng” (ý kiến thẩm định tài sản bảo đảm của một chi nhánh Vietinbank trong một số hồ sơ thế chấp tài sản trong hồ sơ vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Hà Nội mà tác giả đang nắm giữ). Đây chỉ là một ví dụ khá điển hình, trong vô vàn ví dụ khác.
Thứ tư, trong nhiều năm qua, việc điều tra, xét xử các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng (bên cho vay) – doanh nghiệp (bên vay) – người liên quan (bên thế chấp) của nhiều tòa án trong hệ thống tòa án nhân dân chưa được khách quan, toàn diện và công bằng, da đó phần lớn các đối tượng lập ra các doanh nghiệp lừa đảo nói trên vẫn “bình an vô sự”. Điều này được thể hiện:
– Tòa án đã không điều tra làm rõ hồ sơ vay vốn, phương án vay vốn của doanh nghiệp là thật hay giả? Tiền doanh nghiệp vay của ngân hàng được sử dụng vào việc gì, có đúng mục đích hay không? Nguyên nhân nào khiến cho doanh nghiệp không trả nợ cho ngân hàng? Nếu làm rõ được những câu hỏi trên thì chắc chắn sẽ vạch trần được hành vi lừa đảo của những đối tượng thành lập ra các doanh nghiệp lừa đảo này. Nhưng rất tiếc, các tòa án dường như không làm, không muốn làm hoặc không thể làm rõ được những vấn đề rất đơn giản đó!?
– Tòa án không thể triệu tập được người đại diện theo pháp luật (có thể là giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty) của những doanh nghiệp lừa đảo này tham gia tố tụng, mặc dù dấu hiệu lừa đảo của các đối tượng thành lập, quản lý và điều hành những công ty này đã thể hiện rất rõ. Người đại diện theo pháp luật của những công ty này chính là người lập, ký hồ sơ vay vốn, ký chứng từ nhận giải ngân tiền vay, ký chứng từ chi tiêu tiền vay, cho nên sự có mặt tham gia tố tụng của họ trong quá trình giải quyết vụ án là đặc biệt quan trọng và cần thiết, để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Nhưng, hầu hết những người này đều bất hợp tác, không thèm có mặt để làm việc theo văn bản triệu tập của tòa án, coi thường tòa án, coi thường pháp luật…, nhưng họ vẫn không phải chịu trách nhiệm gì?
Vì không triệu tập được những đối tượng nói trên tham gia tố tụng, cho nên sự thật khách quan của vụ án không thể được làm sáng tỏ. Mặc dù bị đơn (doanh nghiệp vay vốn) không cung cấp tài liệu, chứng cứ, không có lời khai nào hoặc có nhưng thiếu, mâu thuẫn… và không được thẩm định công khai tại phiên tòa, nhưng tòa án vẫn dựa vào những tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn (ngân hàng cho vay) cung cấp để đưa ra phán quyết cuối cùng là chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ngân hàng, buộc bị đơn phải trả nợ cho nguyên đơn cả gốc và lãi; nếu bị đơn không trả được nợ cho nguyên đơn thì nguyên đơn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản bảo đảm (của người thế chấp) để thu hồi nợ.
– Không chỉ vậy, có rất nhiều vụ án, người chủ sở hữu nhà đất đã bị mắc lừa, nên đã cho các đối tượng lừa đảo mượn giấy tờ nhà đất của gia đình mình thông qua hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giả tạo cho chúng (không có việc giao nhận tiền mua bán, không có việc bàn giao nhà đất trên thực tế, mà chỉ để che đậy giao dịch vay mượn tiền hoặc giao dịch khác), sau đó, đối tượng lừa đảo đã đi làm thủ tục đăng ký sang tên sở hữu nhà đất thật, rồi mang đi thế chấp bảo đảm cho doanh nghiệp của chúng vay vốn ngân hàng để chiếm đoạt; sau khi vay được tiền của ngân hàng rồi thì doanh nghiệp này đã bỏ mặc không trả nợ ngân hàng, dẫn đến việc ngân hàng phải nộp đơn khởi kiện đòi nợ, yêu cầu phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Tuy nhiên, khi xét xử, tòa án đã không căn cứ quy định về “giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo” tại khoản 1 Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 để tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giả tạo vô hiệu để bảo vệ người dân lương thiện, kém hiểu biết pháp luật, bị lừa đảo, mà lại viện dẫn quy định về “bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình” tại Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ngân hàng (nguyên đơn); không chấp nhận yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giả tạo vô hiệu của người chủ sở hữu nhà đất bị lừa (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) – mặc dù yêu cầu của họ là hợp pháp và có căn cứ. Cùng là những chủ thể bị lừa, nhưng lợi ích của ngân hàng thì được bảo vệ, còn lợi ích của người dân bị lừa mất nhà thì lại không được bảo vệ. Đây rõ ràng là một sự phân biệt đối xử, vi phạm nguyên tắc công bằng, bình đẳng của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, với những nội dung phán quyết như trên thì vô hình chung, hành vi của các đối tượng chuyên lập ra các doanh nghiệp để làm vỏ bọc cho chúng để đi lừa đảo người dân nhẹ dạ cả tin, lừa đảo ngân hàng đã được “dân sự hóa”; những đồng tiền “bẩn” mà những đối tượng này chiếm đoạt được của ngân hàng đã trở nên “sạch sẽ”; việc chi tiêu những đồng tiền này của chúng đã được coi là hợp pháp; người chủ sở hữu tài sản thế chấp đã trở thành nạn nhân, phải gánh chịu tất cả mọi thiệt hại, bị mất đất, mất nhà khi ngân hàng yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Đây là điều vô cùng bất công.
Vì không bị điều tra và xử lý hình sự, cho nên các đối tượng lừa đảo nói trên sẽ không ngại ngần gì khi tiếp tục thành lập ra nhiều công ty, tiếp tục móc nối với nhân viên ngân hàng để làm nhiều hồ sơ, phương án vay vốn giả để thực hiện những “thương vụ lừa đảo” mới.
Thứ năm, trong thực tế, đã có rất nhiều người dân, khi tỉnh ngộ và nhận ra mình đã bị các đối tượng mượn giấy tờ nhà đất thế chấp vay vốn ngân hàng với thủ đoạn như trên, họ đã đến trình báo, tố cáo với cơ quan điều tra để mong được giải quyết, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà vụ việc của những người dân này đã không được điều tra làm rõ để có căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng lừa đảo; vụ việc của họ lại bị “dân sự hóa” để chuyển sang cho tòa án giải quyết và có kết quả xét xử như trên. Vì thế, các đối tượng lừa đảo đã thoát tội, tiếp tục thực hiện các vụ lừa đảo mới khác.
Thứ sáu, VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, khi kiểm sát hoạt động giải quyết tin báo về tội phạm, kiểm sát hoạt động xét xử của tòa án đối với những vụ án rõ ràng có dấu phạm tội như trên, viện kiểm sát đã không phát hiện hành vi phạm tội của các đối tượng lừa đảo để yêu cầu khởi tố, điều tra để xử lý trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng lừa đảo theo quy định của pháp luật, cho nên đã để các đối tượng lừa đảo đã thoát tội, tiếp tục thực hiện các vụ lừa đảo mới khác.
Một số giải pháp
Để hạn chế và tiến tới ngăn chặn được các hành vi lừa đảo nói trên, chúng tôi cho rằng cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Đối với người dân: Mọi người dân đều cần phải tìm hiểu, học hỏi và chia sẻ với nhau để nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, để có khả năng nhận diện được hành vi và thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng lừa đảo để tránh bị mắc lừa; tuyệt đối không ký khống, ký giả tạo vào bất kỳ giấy tờ, hợp đồng, giao dịch nào, với bất kỳ ai, kể cả người thân, người quen. Trường hợp đã bị mắc lừa thì cần nhanh chóng tìm đến sự trợ giúp pháp lý của luật sư, của người hiểu biết pháp luật, đồng thời trình báo, tố cáo hành vi lừa đảo của đối tượng lừa đảo trước cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để xử lý kịp thời.
Đối với tổ chức tín dụng: Trên cơ sở các quy định của pháp luật có liên quan, các tổ chức tín dụng cần ban hành đầy đủ, chi tiết các quy định, quy trình thủ tục xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp, theo dõi việc giải ngân và sử dụng vốn vay…, buộc các cán bộ, nhân viên của mình phải thực hiện đúng, đầy đủ, để tránh bị các đối tượng lừa đảo “qua mặt” hoặc mua chuộc khi xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng. Cương quyết xử lý những cán bộ, nhân viên ngân hàng đã móc nối, tiếp tay, bao che cho các đối tượng lừa đảo hoặc thiếu trách nhiệm trong quá trình lập, thẩm định hồ sơ vay vốn của các khách hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo nói trên.
Đối với TAND: Khi xét xử các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, ngoài ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (người thế chấp…), tòa án cần phải triệu tập được doanh nghiệp, người vay vốn đến tham gia tố tụng để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đặc biệt là trong những vụ án có dấu hiệu lừa đảo như đã phân tích trên. Khi đó:
– Nếu phương án vay vốn của bên vay là giả, hồ sơ tài sản bảo đảm bị khai gian dối hoặc bên vay sử dụng vốn vay vào mục đích bất hợp pháp, không đúng mục đích ghi trong phương án vay vốn, dẫn đến mất vốn, không trả nợ cho ngân hàng thì những đối tượng liên quan có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Những cán bộ, nhân viên ngân hàng đã tiếp tay, bao che, giúp đỡ các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt nói trên trong quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn của các đối tượng đã phạm tội cùng với chúng, với vai trò đồng phạm hoặc phạm tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong các trường hợp này, tòa án cần phải chuyển hồ sơ vụ án sang cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xử lý hình sự theo quy định của pháp luật, chứ không thể ra những bản án dân sự thiếu khách quan, bất công bằng, “dân sự hóa” hành vi lừa đảo, “hợp pháp hóa” đồng tiền phạm pháp như đã phân tích ở phần trên. Tòa án cần phải công bằng đối với mọi người dân, không thể chỉ coi trọng lợi ích của ngân hàng mà quên đi việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân.
Đối với VKSND: Khi kiểm sát công tác giải quyết tin báo về tội phạm trong các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, kiểm sát hoạt động xét xử của tòa án đối với những vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng, viện kiểm sát cần sát sao hơn để có văn bản kiểm sát kịp thời đối với cơ quan điều tra, đối với tòa án án để làm rõ những tình tiết khách quan của vụ việc, vụ án. Kịp thời khởi tố hoặc yêu cầu khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xử lý hình sự đối với những đối tượng có dấu hiệu phạm tội như trên.
Đối với cơ quan điều tra: Khi nhận được tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, đặc biệt là những vụ việc doanh nghiệp vay vốn ngân hàng rồi bỏ mặc không trả nợ, có dấu hiệu chiếm đoạt như trên, cơ quan điều tra cần phải tiến hành điều tra, xác minh tin báo về tội phạm khẩn trương, kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật, tập trung làm rõ những vấn đề mấu chốt sau đây: Hồ sơ, phương án vay vốn của doanh nghiệp có hay không, thật hay giả; doanh nghiệp sử dụng vốn vay vào việc gì, có đúng mục đích hay không; nguyên nhân nào làm cho doanh nghiệp không trả được nợ cho ngân hàng.
Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cần phải khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để điều tra, xử lý ngay; tránh kéo dài thời gian, tạo cơ hội cho những đối tượng lừa đảo tẩu tán tài sản; tránh “dân sự hóa vấn đề hình sự”, bỏ lọt tội phạm.
Trong thời gian qua, người dân bị lừa xác lập giao dịch giả tạo hầu như đều không được bảo vệ; ngân hàng luôn được được bảo vệ, ngay cả khi ngân hàng có lỗi, không ngay tình khi xác lập giao dịch. Điều này là bất công bằng, bất bình đẳng. Vì vậy, TAND tối cao cần có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đường lối xét xử đối với các vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” khi áp dụng các điều luật liên quan đến tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu (do giả tạo hoặc bị lừa dối) để bảo vệ người dân bị lừa dối, và điều luật quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình (ngân hàng), khi các tình huống này cùng xuất hiện trong một vụ án.
Theo https://lsvn.vn
Công ty Tư vấn Lợi Thế đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luậtdoanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.
Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.