Thủ tục thành lập Trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
13/07/2022 | 559Theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP Trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài là hoạt động có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư cần phải đáp ứng các điều kiện đầu tư cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
** Văn bản pháp luật liên quan
(1) Biểu cam kết Thương mại và Dịch vụ WTO;
(2) Luật Đầu tư 2020;
(3) Luật Doanh nghiệp 2020;
(4) Luật Giáo dục 2019;
(5) Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường mầm non;
(6) Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2020;
(7) Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
(9) Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2018 quy định về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;
(10) Các văn bản pháp lý có liên quan khác.
Yêu cầu, điều kiện
Đối với việc thành lập Trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
a. Tên của Trường
– Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng;
b. Vốn đầu tư
– Dự án đầu tư phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (Không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.
– Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức quy định nêu trên. Tức mức đầu tư ít nhất là 21.000.000 VNĐ/trẻ.
c. Vốn địa điểm đầu tư
– Nhà trường, nhà trẻ được đặt tại khu dân cư; đảm bảo các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường.
– Độ dài đường đi của trẻ em đến nhà trường: Đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, khu tái định cư, khu vực ngoại thành, nông thôn không quá 01 km; đối với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn không quá 02 km.
– Diện tích khu đất xây dựng nhà trường gồm: Diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi.
d. Cơ sở, vật chất, thiết bị
– Diện tích khu đất xây dựng nhà trường gồm: Diện tích xây dựng; diện tích sân chơi; diện tích cây xanh, đường đi. Diện tích khu đất xây dựng bình quân tối thiểu 12 m2 cho một trẻ em đối với khu vực đồng bằng, trung du (trừ thành phố thị xã); 08 m2 cho một trẻ em đối với khu vực thành phố, thị xã, núi cao và hải đảo.
– Có phòng học, phòng ngủ của trẻ và các phòng chức năng phù hợp về diện tích, ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ đùng chăm sóc và giáo dục trẻ;
– Có văn phòng nhà trường, phòng ban giám hiệu, phòng hành chính quản trị, phòng y tế, phòng bảo vệ, phòng dành cho nhân viên phù hợp về diện tích, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ;
– Có hệ thống nước sạch, hệ thống thoát nước, phòng vệ sinh phù hợp, có thiết bị vệ sinh đảm bảo an toàn, sạch sẽ, đáp ứng mọi sinh hoạt của trường;
– Có nhà bếp được tổ chức theo quy trình hoạt động một chiều với các thiết bị, đồ dùng phù hợp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nếu trường tổ chức nấu ăn cho trẻ;
– Có sân chơi, tường bao quanh khu vực trường, có cổng trường với biển trường ghi rõ tên trường theo quy định;
– Trong khu vực trường có cây xanh. Toàn bộ các thiết kế xây dựng và trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi của trường phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ./
e. Cơ cấu khối công trình
* Yêu cầu chung
– Các công trình phải đảm bảo đúng quy cách về tiêu chuẩn thiết kế và các quy định về vệ sinh trường học hiện hành.
– Bố trí công trình cần đảm bảo độc lập giữa khối nhóm trẻ, lớp mẫu giáo với khối phục vụ; Đảm bảo an toàn và yêu cầu giáo dục với từng độ tuổi; Đảm bảo lối thoát hiểm khi có sự cố và hệ thống phòng cháy chữa cháy.
– Đảm bảo điều kiện cho trẻ em khuyết tật tiếp cận sử dụng.
* Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo
– Số phòng của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được xây dựng tương ứng số nhóm, lớp theo các độ tuổi của nhà trường, nhà trẻ, đảm bảo mỗi nhóm, lớp có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em riêng. Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em gồm:
+ Phòng sinh hoạt chung;
+ Phòng ngủ;
+ Phòng vệ sinh;
+ Hiên chơi;
* Khối phòng phục vụ học tập
– Phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng.
* Khối phòng tổ chức ăn
– Khu vực bếp và nhà kho
* Khối phòng hành chính quản trị
– Văn phòng trường;
– Phòng hiệu trưởng;
– Phòng phó hiệu trưởng;
– Phòng hành chính quản trị;
– Phòng Y tế;
– Phòng bảo vệ;
– Phòng dành cho nhân viên;
– Khu vệ sinh cho giáo viên, cán bộ, nhân viên;
– Khu để xe cho giáo viên, cán bộ, nhân viên;
* Khối sân vườn
– Sân chơi của nhóm, lớp; sân chơi chung; sân chơi – cây xanh
f. Về chương trình giáo dục
– Trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài được tổ chức giảng dạy:
+ Chương trình giáo dục mầm non của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Chương trình giáo dục mầm non của nước ngoài;
– Chương trình giáo dục thực hiện tại trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài phải thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
– Trong trường hợp có trẻ em Việt Nam học tập tại trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài thì chương trình giáo dục tại trường mầm non đó phải có các nội dung giáo dục, đào tạo bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung giáo dục, đào tạo bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập trong các cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài).
g. Về tiếp nhận học sinh
– Nghị định 86/2018/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 01/08/2018 mở ra cơ hội cho các trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài có thể tuyển sinh trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi phù hợp với thực tiễn nguyện vọng của các bậc phụ huynh Việt Nam hiện nay khi muốn con mình được học trong môi trường giáo dục quốc tế.
– Lưu ý: Số trẻ em Việt Nam học chương trình giáo dục mầm non của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số trẻ học chương trình giáo dục của nước ngoài tại trường mầm non đó.
h. Về đội ngũ nhân sự
* Hiệu trưởng
– Tối thiểu phải có trình độ chuẩn được đào tạo là có bằng trung cấp sư phạm mầm non hoặc tương đương;
– Có ít nhất 05 năm công tác liên tục trong giáo dục mầm non (Trường hợp do yêu cầu đặc biệt của công việc, người được bổ nhiệm hoặc công nhận là Hiệu trưởng có thể có thời gian công tác trong giáo dục mầm non ít hơn theo quy định);
– Đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý;
– Có uy tín về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ; /
– Có năng lực tổ chức, quản lý nhà trường, nhà trẻ và có sức khỏe;
* Phó Hiệu trưởng
– Có bằng trung cấp sư phạm mầm non hoặc tương đương;
– Có ít nhất 03 năm công tác liên tục trong giáo dục mầm non (Trường hợp do yêu cầu đặc biệt của công việc, người được bổ nhiệm hoặc công nhận phó hiệu trưởng có thể có thời gian công tác trong giáo dục mầm non ít hơn theo quy định);
– Có uy tín về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ;
– Có năng lực quản lý nhà trường, nhà trẻ và có sức khỏe;
* Giáo viên và nhân viên
– Giáo viên ít nhất phải có trình độ cao đẳng hoặc tương đương, có ngành nghề đào tạo phù hợp với chuyên môn được phân công giảng dạy;
– Trình độ chuẩn được đào tạo của nhân viên y tế học đường, kế toán là có bằng tốt nghiệp trung cấp theo chuyên môn được giao;
– Đối với nhân viên thủ quỹ, thư viện, văn thư, nấu ăn, bảo vệ phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ được giao;
i. Về tổ chức lớp học
* Số trẻ tối đa trong 01 nhóm/lớp
– Trẻ nhà trẻ
+ Trẻ 03-12 tháng tuổi: 15 trẻ/nhóm;
+Trẻ 13 – 24 tháng tuổi: 20 trẻ/nhóm;
+ Trẻ 25 – 36 tháng tuổi: 25 trẻ/nhóm;
– Trẻ mẫu giáo
+ Trẻ 03 – 04 tuổi: 25 trẻ/lớp;
+ Trẻ 04 – 05 tuổi: 30 trẻ/lớp;
+ Trẻ 05 – 06 tuổi: 35 trẻ/lớp.
* Số lượng giáo viên trong 01 nhóm/lớp
– Đối với trẻ nhà trẻ: 05 trẻ/giáo viên;
– Đối với trẻ mẫu giáo: 10-12 trẻ/giáo viên.
Quy trình thực hiện thủ tục
Bước 1: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư;
Bước 2: Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Thực hiện thủ tục xin cấp Quyết định cho phép thành lập trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài;
Bước 4: Thực hiện thủ tục xin cấp Quyết định cho phép hoạt động trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài.
Hồ sơ và Tài liệu xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Quyết định cho phép thành lập và Quyết định cho phép hoạt động giáo dục
1. Hồ sơ và Tài liệu xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
a. Hồ sơ cần soạn thảo
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
– Đề xuất dự án đầu tư;
– Bản thuyết minh về năng lực tài chính của Nhà đầu tư;
– Bản giải trình đáp ứng điều kiện đầu tư đối với Nhà đầu tư nước ngoài;
– Quyết định của Nhà đầu tư (đối với Nhà đầu tư là tổ chức);
– Giấy ủy quyền trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba đại diện thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư.
b. Tài liệu Nhà đầu tư cung cấp
* Tài liệu chung
– Bản sao chứng thực Hợp đồng thuê địa điểm hoặc thỏa thuận nguyên tắc hợp đồng thuê địa điểm để thực hiện dự án. Kèm theo tài liệu này là bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của bên cho thuê địa điểm là tổ chức (có ngành nghề kinh doanh bất động sản); bản sao chứng thực Giấy phép xây dựng; bản sao chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với địa điểm thuê là nhà);
* Tài liệu riêng đối với nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài
– Bản Hợp pháp hóa lãnh sự Quyết định, Giấy phép thành lập của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài;
– Bản Hợp pháp hóa lãnh sự Báo cáo tài chính có kiểm toán 2 năm gần nhất của Nhà đầu tư hoặc Xác nhân số dư tài khoản Ngân hàng của Nhà đầu tư nước ngoài để chứng minh năng lực tài chính;
– Bản sao chứng thực Hộ chiếu người đại diện theo pháp luật và người đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà đầu tư nước ngoài.
* Tài liệu riêng đối với nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài
– Bản sao chứng thực Hộ chiếu của nhà đầu tư;
– Bản dịch công chứng Xác nhân số dư tài khoản Ngân hàng của Nhà đầu tư để chứng minh năng lực tài chính.
2. Hồ sơ và Tài liệu xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
a. Hồ sơ cần soạn thảo
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ Công ty;
– Danh sách thành viên (đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên); Danh sách cổ đông sáng lập (đối với Công ty Cổ phần);
– Quyết định của Nhà đầu tư (đối với Nhà đầu tư là tổ chức);
– Danh sách người đại diện theo ủy quyền (đối với Nhà đầu tư là tổ chức);
– Giấy ủy quyền trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba đại diện thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
b. Tài liệu Nhà đầu tư cung cấp
* Tài liệu chung
– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Bước 4.1);
– Bản sao chứng thực Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu người đại diện theo pháp luật của Công ty dự kiến thành lập.
* Tài liệu riêng đối với nhà đầu tư là tổ chức
– Bản Hợp pháp hóa lãnh sự Quyết định, Giấy phép thành lập của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài (mục b, Bước 4.1)
– Bản sao chứng thực Hộ chiếu người đại diện theo pháp luật và người đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà đầu tư nước ngoài (tương tự mục b, Bước 4.1);
* Tài liệu riêng đối với nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài;
– Bản sao chứng thực Hộ chiếu thành viên/ cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài (tương tự mục b, Bước 4.1).
3. Hồ sơ và Tài liệu xin cấp Quyết định cho phép thành lập
a. Hồ sơ cần soạn thảo
– Đơn đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục;
– Đề án thành lập cơ sở giáo dục;
– Kế hoạch về cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục hoặc dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bao gồm phần thuyết minh và thiết kế chi tiết cơ sở giáo dục.
b. Tài liệu Nhà đầu tư cung cấp
– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án (Bước 4.1);
– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Bước 4.2);
– Văn bản chấp thuận giao đất hoặc cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp phải xây dựng cơ sở vật chất (trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất) và thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn;
– Bản sao chứng thực Xác nhận tài khoản ngân hàng chứng minh nhà đầu tư đã góp đủ vốn để thành lập Trường mầm non.
4. Hồ sơ và Tài liệu xin cấp Quyết định cho phép hoạt động
a. Hồ sơ cần soạn thảo
– Đơn đăng ký hoạt động giáo dục;
– Chương trình, kế hoạch giảng dạy, tài liệu học tập, danh mục sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chính;
– Đối tượng tuyển sinh, quy chế và thời gian tuyển sinh;
– Quy chế đào tạo;
– Các quy định về học phí và các loại phí liên quan (phí phát triển trường,…);
– Quy định về kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình đào tạo (nếu có);
– Mẫu văn bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng.
b. Tài liệu Nhà đầu tư cung cấp
– Bản sao chứng thực Quyết định cho phép thành lập (Bước 4.3);
– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án (Bước 4.1);
– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Bước 4.2);
– Quy mô đào tạo dự kiến khi thành lập Trường (tổng số trẻ, số trẻ theo từng độ tuổi);
– Báo cáo tài chính 2 năm liền kề trước năm lập dự án đã được kiểm toán độc lập, quyết định phân bổ nguồn vốn để thực hiện dự án của NĐT (Đối với nhà đầu tư là pháp nhân);
– Bản sao chứng thực Xác nhận tài khoản ngân hàng chứng minh nhà đầu tư đã góp đủ vốn để thành lập Trường mầm non;
* Hồ sơ nhân sự:
– Danh sách Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, trưởng các phòng, ban, kế toán trưởng, giáo viên, nhân viên và hợp đồng lao động được ký kết giữa Trường với từng người. Lưu ý gửi kèm hồ sơ cá nhân của những người này, bao gồm:
+ Sơ yếu lý lịch có chứng thực hợp lệ/phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và (hoặc) văn bản xác nhận không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp (đối với người lao động là người nước ngoài);
+ Bản sao chứng thực chứng minh nhân dân/ Hộ chiếu hợp pháp;
+ Giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở nước ngoài hoặc được cấp ở Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam;
+ Bản sao chứng thực bằng cấp, chứng chỉ có liên quan (Do nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự; được dịch sang tiếng Việt Nam, bản dịch và bản sao phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam);
+ Giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (đối với người lao động là người nước ngoài).
Công ty Tư vấn Lợi Thế đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.
Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.