Thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước (cấp trung ương)

04/11/2022 | 602

Thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước (cấp trung ương) được hướng dẫn tại Quyết định 7643/QĐ-BCA như sau:

1. Đối tượng đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước cấp trung ương

Đối tượng cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước cấp trung ương bao gồm:

– Nhóm (1): Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử từ lần thứ hai;

– Nhóm (2):  Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử lần đầu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh;

+ Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;

+ Có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;

+ Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.

(Khoản 4, 5 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019)

2. Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước (cấp trung ương)

– Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước (cấp trung ương) bao gồm:

+ 01 tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước (mẫu TK01) ban hành kèm theo Thông tư 73/2021/TT-BCA. Đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, tờ khai do người đại diện hợp pháp khai, ký thay và được Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú hoặc tạm trú xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh;

Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước

+ 02 ảnh mới chụp không quá 06 tháng, cỡ 4cm x 6cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục lịch sự, phông nền trắng;

+ Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp bị mất hộ chiếu, phải có đơn trình báo mất hộ chiếu hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019;

+ Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất.

+ Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra đối chiếu.

– Đối với các đối tượng thuộc nhóm (2) đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước lần đầu tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh phải bổ sung một trong các loại hồ sơ, giấy tờ sau:

+ Giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám, chữa bệnh;

+ Giấy tờ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;

+ Văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;

+ Tài liệu chứng minh đối với các trường hợp vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác.

3. Nơi nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước (cấp trung ương)

Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước (cấp trung ương) trực tiếp nộp hồ sơ tại một trong hai trụ sở làm việc của Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an:

– Số 44-46 đường Trần Phú, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

– Số 333-335-337 đường Nguyễn Trãi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến sáng thứ 7 hàng tuần (trừ ngày Tết, ngày lễ).

4. Trình tự cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước (cấp trung ương)

– Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước (cấp trung ương) trực tiếp nộp hồ sơ.

Khi đến nộp hồ sơ phải xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

Lưu ý: Có thể khai tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước qua các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sau đó trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả hoặc đề nghị nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

– Cán bộ quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ; chụp ảnh, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu.

+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì cấp giấy hẹn trả kết quả cho người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông; yêu cầu nộp lệ phí cho cán bộ thu lệ phí. Cán bộ thu lệ phí thu tiền, giao biên lai thu tiền cho người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông.

+ Trường hợp hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông hoàn chỉnh hồ sơ.

– Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có thể đề nghị nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính và phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

5. Thời hạn giải quyết đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước (cấp trung ương)

– Không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định.

– Không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định đối với các đối tượng thuộc nhóm (2).

6. Lệ phí cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp ở trong nước (cấp trung ương)

Lệ phí cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử ở trong nước (cấp trung ương) là 200.000đ/hộ chiếu.

Trường hợp cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất: 400.000đ/hộ chiếu.

Công ty Tư vấn Lợi Thế  đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luậtdoanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệthuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.

Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.

Hotline: 0987.860.038 (zalo/facebook, Ms Thắm)