Sai lầm gì khiến bạn khó giàu

18/10/2020 | 516

Cố chi tiêu cho bằng bạn bè, sản phẩm nào cũng mua hàng mới và trả lãi thẻ tín dụng hàng tháng sẽ vắt kiệt tài chính của bạn.

1. Chi tiêu cho bằng bạn bằng bè

Một trong những cách nhanh nhất để rơi vào rắc rối tài chính là cố học theo cách sống của những người xung quanh bạn. Ai cũng thích mình có địa vị, nhưng chi tiêu hào phóng ngoài mức thu nhập của bạn là điều tồi tệ. Những người thành công luôn có suy nghĩ độc lập về vấn đề này.

Hãy tự tạo ra một lối sống phù hợp với riêng bạn mà thôi, và kiểm soát tài chính bằng cách theo dõi chi tiêu sát sao. Hiện tại, làm việc này đã dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn có thể lựa chọn cả tá ứng dụng di động để thực hiện điều đó.

2. Biến chi tiêu tùy hứng thành thói quen

Thi thoảng, bạn có thể mua những đồ xa xỉ nho nhỏ khi thấy chúng vừa túi tiền. Ví dụ, lâu lâu mua cốc cà phê 5 USD cũng chẳng khiến bạn phá sản. Nhưng nếu ngày nào cũng nuông chiều bản thân như vậy, mỗi tháng bạn sẽ mất 150 USD và mỗi năm là 1.800 USD, chỉ cho một cốc cà phê mỗi ngày.

Cách giải quyết ở đây vẫn là theo dõi chi tiêu hàng ngày và hàng tuần. Đây là cách tốt nhất để kiểm soát hành động của bạn.

3. Mua gói thuê bao tự động gia hạn trả tiền

Hãy rà soát lại các dịch vụ bạn đang sử dụng, như điện thoại hay truyền hình cáp, các dịch vụ dùng thử và hủy những thứ không còn dùng đến nữa. Nhiều khoản chi nhỏ như vậy cộng lại sẽ khiến bạn tốn kha khá tiền.

Cách giải quyết: Đọc kỹ các hóa đơn mỗi tháng để tìm ra dịch vụ bạn không dùng nữa. Hàng năm, gọi đến tổng đài để đánh giá lại tài khoản của mình, tìm xem có gói nào phù hợp hơn không hoặc tính năng nào có thể bỏ.

4. Mua mới mọi thứ

Vì sao phải trả thêm tiền để mua sách mới, đồ chơi mới, quần áo, xe hơi, dụng cụ và đồ thể thao mới khi mà bạn có thể mua đồ cũ với giá rẻ hơn? Trước khi mua mới, hãy tìm hiểu thật kỹ xem những đồ bạn định mua có hàng đã qua sử dụng hay không.

Bạn hoàn toàn có thể tìm thấy đồ nội thất, trang sức, quần áo, đồ điện tử và gia dụng tuy đã sử dụng nhưng tính năng và hình thức vẫn còn khá mới. Dù vậy, những món đồ, như đệm, giày, thú nhồi bông, máy ảnh…thì đừng bao giờ nên mua cũ.

5. Trả lãi thẻ tín dụng

Ví dụ, nếu bạn phải trả lãi 20% với nợ thẻ tín dụng, trong khi tài khoản tiết kiệm chỉ trả 0,5%, bạn đang đi ngược đấy. Nếu công việc của bạn ổn định và bạn có tiền dư (sau khi dự phòng), hãy trả hết các khoản nợ có lãi suất cao đi. Và hãy nhớ trả hết nợ thẻ tín dụng trước khi bị tính lãi hàng tháng.

6. Vay tiền để mua thứ ngày càng mất giá

Nếu bạn vay tiền, hoặc dùng thẻ tín dụng để mua những món đồ như TV cỡ lớn, thiết bị âm thanh, đồ thể thao cao cấp, bạn đang tự hủy hoại tài chính của mình. Hãy luôn nhớ chỉ mua những đồ này bằng tiền mặt, khi bạn có đủ khả năng chi trả. Bạn đâu cần phải là người đầu tiên tiếp cận công nghệ mới nhất. Đôi khi, mua đồ cũ lại là lựa chọn hoàn hảo.

7. Không có tiền dự phòng khẩn cấp

Không có dự phòng chẳng khác nào bạn đang đi trên dây mà không có lưới bảo hộ phía dưới. Hãy tiết kiệm đủ số tiền tương đương sinh hoạt phí trong 7-8 tháng. Bạn có thể làm điều này bằng nhiều cách, như đặt chế độ tự động tiết kiệm hay để tiền ở tài khoản ít dùng.

8. Để phí ngân hàng rút cạn tài khoản

Bạn đã phải làm việc rất vất vả để kiếm tiền. Vì thế, bạn sẽ không muốn mình chịu hàng loạt phí cho tài khoản ở ngân hàng đâu. Hãy rà soát lại các khoản phí bạn đang phải chịu, duy trì tiền trong tài khoản đủ để không mất phí thấu chi, hoặc cân nhắc chuyển sang ngân hàng khác có mức phí dễ chịu hơn.