Quy định của pháp luật về cho thuê hàng hóa

31/01/2021 | 1361

Theo Luật Thương mại sửa đổi, bổ sung năm 2019: “Hàng hóa bao gồm: a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; b) Những vật gắn liền với đất đai”.

Cho thuê hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó một bên chuyển quyền chiếm hữu và sử dụng hàng hóa (gọi là bên cho thuê) cho bên khác (gọi là bên thuê) trong một thời hạn nhất định để nhận tiền cho thuê.

Luật này cũng quy định chi tiết các nội dung về cho thuê hàng hóa như sau:

loithe

 Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên cho thuê có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Giao hàng hóa cho thuê theo đúng hợp đồng cho thuê với bên thuê;

2. Bảo đảm cho bên thuê quyền chiếm hữu và sử dụng hàng hóa cho thuê không bị tranh chấp bởi bên thứ ba liên quan trong thời gian thuê;

3. Bảo đảm hàng hóa cho thuê phù hợp với mục đích sử dụng của bên thuê theo thỏa thuận của các bên;

4. Bảo dưỡng và sửa chữa hàng hóa cho thuê trong thời hạn hợp lý. Trường hợp việc sửa chữa và bảo dưỡng hàng hóa cho thuê gây phương hại đến việc sử dụng hàng hóa đó của bên thuê thì phải có trách nhiệm giảm giá thuê hoặc kéo dài thời hạn cho thuê tương ứng với thời gian bảo dưỡng, sửa chữa;

5. Nhận tiền cho thuê theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

6. Nhận lại hàng hóa cho thuê khi kết thúc thời hạn cho thuê.

Quyền và nghĩa vụ của bên thuê

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên thuê có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Chiếm hữu và sử dụng hàng hóa cho thuê theo hợp đồng cho thuê và theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có thỏa thuận cụ thể về cách thức sử dụng hàng hóa cho thuê thì hàng hóa cho thuê phải được sử dụng theo cách thức phù hợp với tính chất của hàng hóa đó;

2. Giữ gìn và bảo quản hàng hóa cho thuê trong thời hạn thuê và trả lại hàng hóa đó cho bên cho thuê khi hết thời hạn;

3. Yêu cầu bên cho thuê thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa hàng hóa; nếu bên cho thuê không thực hiện nghĩa vụ này trong một thời hạn hợp lý thì bên thuê có thể tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa hàng hóa cho thuê và bên cho thuê phải chịu các chi phí hợp lý của việc bảo dưỡng, sửa chữa đó;

4. Trả tiền thuê hàng hóa theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

5. Không được bán, cho thuê lại hàng hóa đã thuê.

Sửa chữa, thay đổi tình trạng ban đầu của hàng hóa cho thuê

1. Bên thuê không được sửa chữa, thay đổi tình trạng ban đầu của hàng hóa cho thuê nếu không được bên cho thuê chấp thuận.

2. Trường hợp bên thuê thực hiện việc sửa chữa, thay đổi tình trạng ban đầu của hàng hóa cho thuê mà không có sự chấp thuận của bên cho thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê khôi phục lại tình trạng ban đầu của hàng hóa cho thuê hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm đối với tổn thất trong thời hạn thuê

1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên cho thuê phải chịu tổn thất đối với hàng hóa cho thuê trong thời hạn thuê nếu bên thuê không có lỗi gây ra tổn thất đó.

2. Trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, bên cho thuê có trách nhiệm sửa chữa hàng hóa cho thuê trong thời hạn hợp lý để bảo đảm mục đích sử dụng của bên thuê.

Chuyển rủi ro đối với hàng hóa cho thuê

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc chuyển rủi ro cho bên thuê nhưng không xác định thời điểm chuyển rủi ro thì thời điểm chuyển rủi ro được xác định như sau:

1. Trường hợp hợp đồng cho thuê có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa:

a) Nếu hợp đồng không yêu cầu giao hàng hóa cho thuê tại một địa điểm cụ thể thì rủi ro sẽ chuyển cho bên thuê khi hàng hóa cho thuê được giao cho người vận chuyển đầu tiên;

b) Nếu hợp đồng yêu cầu phải giao hàng hóa cho thuê tại một địa điểm cụ thể thì rủi ro chuyển cho bên thuê hoặc người được bên thuê ủy quyền nhận hàng tại địa điểm đó;

2. Trường hợp hàng hóa cho thuê được nhận bởi người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro chuyển cho bên thuê khi người nhận hàng xác nhận quyền chiếm hữu hàng hóa cho thuê của bên thuê;

3. Trong các trường hợp khác không được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì rủi ro được chuyển cho bên thuê khi bên thuê nhận hàng hóa cho thuê.

Hàng hóa cho thuê không phù hợp với hợp đồng

Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, hàng hóa được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hóa đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hóa cùng chủng loại;

2. Không phù hợp với mục đích cụ thể mà bên thuê đã cho bên cho thuê biết hoặc bên cho thuê phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;

3. Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng mà bên cho thuê đã giao cho bên thuê.

Từ chối nhận hàng

1. Bên cho thuê phải dành cho bên thuê một thời gian hợp lý sau khi nhận được hàng hóa để kiểm tra.

2. Bên thuê có quyền từ chối nhận hàng hóa trong các trường hợp sau đây:

a) Bên cho thuê không dành cho bên thuê điều kiện, thời gian hợp lý để kiểm tra hàng hóa;

b) Khi kiểm tra hàng hóa, bên thuê phát hiện thấy hàng hóa không phù hợp với hợp đồng.

Khắc phục, thay thế hàng hóa cho thuê không phù hợp với hợp đồng

1. Trong trường hợp bên thuê từ chối nhận hàng hóa cho thuê do không phù hợp với hợp đồng, nếu thời hạn thực hiện việc giao hàng vẫn còn thì bên cho thuê có thể thông báo ngay cho bên thuê về việc khắc phục hoặc thay thế hàng hóa và thực hiện việc khắc phục hoặc thay thế hàng hóa đó trong khoảng thời gian còn lại.

2. Khi bên cho thuê thực hiện việc khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên thuê thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê khắc phục bất lợi hoặc trả chi phí phát sinh đó.

Chấp nhận hàng hóa cho thuê

1. Bên thuê được coi là đã chấp nhận hàng hóa cho thuê sau khi bên thuê có cơ hội hợp lý để kiểm tra hàng hóa cho thuê và thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Không từ chối hàng hóa cho thuê;

b) Xác nhận sự phù hợp của hàng hóa cho thuê với thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Xác nhận việc sẽ nhận hàng hóa đó, dù không phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Trường hợp bên thuê phát hiện ra sự không phù hợp với hợp đồng của hàng hóa sau khi đã chấp nhận hàng hóa mà sự không phù hợp đó có thể được xác định thông qua việc kiểm tra một cách hợp lý trước khi chấp nhận hàng hóa thì bên thuê không được dựa vào sự không phù hợp đó để trả lại hàng.

Rút lại chấp nhận

1. Bên thuê có thể rút lại chấp nhận đối với một phần hoặc toàn bộ hàng hóa cho thuê nếu sự không phù hợp của hàng hóa cho thuê làm cho bên thuê không đạt được mục đích giao kết hợp đồng và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bên cho thuê không khắc phục một cách hợp lý theo quy định tại Điều 277 của Luật này;

b) Bên thuê không phát hiện được sự không phù hợp của hàng hóa xuất phát từ bảo đảm của bên cho thuê.

2. Việc rút lại chấp nhận phải được thực hiện trong khoảng thời gian hợp lý, nhưng không quá ba tháng, kể từ thời điểm bên thuê chấp nhận hàng hóa.

Trách nhiệm đối với khiếm khuyết của hàng hóa cho thuê

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, trách nhiệm đối với khiếm khuyết của hàng hóa cho thuê được quy định như sau:

1. Trong thời hạn thuê, bên cho thuê phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hóa cho thuê đã có vào thời điểm hàng hóa được giao cho bên thuê, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

2. Bên cho thuê không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hóa đã có trước thời điểm giao kết hợp đồng mà bên thuê đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;

3. Bên cho thuê không chịu trách nhiệm đối với những khiếm khuyết của hàng hóa được phát hiện sau khi bên thuê chấp nhận hàng hóa cho thuê mà khiếm khuyết đó có thể được bên thuê phát hiện nếu thực hiện việc kiểm tra một cách hợp lý trước khi chấp nhận hàng hóa;

4. Bên cho thuê phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó xuất phát từ việc bên cho thuê vi phạm nghĩa vụ đã cam kết của mình.

Cho thuê lại

1. Bên thuê chỉ được cho thuê lại hàng hóa khi có sự chấp thuận của bên cho thuê. Bên thuê phải chịu trách nhiệm về hàng hóa cho thuê lại trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên cho thuê.

2. Trong trường hợp bên thuê cho thuê lại hàng hóa cho thuê mà không có sự chấp thuận của bên cho thuê thì bên cho thuê có quyền hủy hợp đồng cho thuê. Người thuê lại phải có trách nhiệm trả lại ngay hàng hóa cho bên cho thuê.

Lợi ích phát sinh trong thời hạn thuê

Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, mọi lợi ích phát sinh từ hàng hóa cho thuê trong thời hạn thuê thuộc về bên thuê.

Thay đổi quyền sở hữu trong thời hạn thuê

Mọi thay đổi về quyền sở hữu đối với hàng hóa cho thuê không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng cho thuê.

Công ty Tư vấn Lợi Thế đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 0987 860 038 hoặc Email: hoangtham.ltk@gmail.com