Những điều cần biết về điều lệ công ty
24/06/2020 | 613Khái niệm Điều lệ công ty
Điều lệ công ty là bản thỏa thuận giữa những người chủ sở hữu công ty với nhau, là sự cam kết, ràng buộc các thành viên trong một luật lệ chung, được soạn thảo căn cứ trên những khuôn mẫu chung của pháp luật, để ấn định các nguyên tắc về cách thức thành lập, quản lý, hoạt động và giải thể của doanh nghiệp.
Đặc điểm của Điều lệ công ty
Điều lệ công ty được xem như là bản hiến pháp của mỗi doanh nghiệp. Nếu Hiến pháp là luât cơ bản và quan trọng nhất của mỗi quốc gia thì Điều lệ công ty được xem là luật cơ bản nhất của doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty là căn cứ pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất khi có tranh chấp xảy ra, được đưa ra làm cơ sở để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và các vấn đề phát sinh của doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty do doanh nghiệp tự lập nên, có nội dung căn cứ theo các quy định về pháp luật doanh nghiệp và không được trái với các quy định pháp luật.
- Điều lệ là bản cam kết của các thành viên công ty về việc thành lập công ty, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp.
- Việc xác lập, sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ Điều lệ của công ty phải thực hiện tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
- Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Vai trò của Điều lệ công ty
- Điều lệ công ty giúp cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong công ty.
Điều này thể hiện qua việc nội dung Điều lệ công ty sẽ ghi nhận phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và đối với công ty hợp danh; ghi nhận số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần.
Tất cả những điều này nhằm giúp đảm bảo lợi ích cho các thành viên và qua đó, mỗi thành viên cũng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tương ứng của mình với công ty. Điều lệ chính là nơi các đối tượng liên quan tìm thấy quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
- Điều lệ công ty có chức năng tạo cơ chế vận hành cho công ty.
Điều lệ công ty sẽ quy định cơ cấu tổ chức, quản lý của công ty để từ đó công ty có được hệ thống tổ chức chặt chẽ, có sự phân quyền rõ ràng sẽ khiến cho hoạt động của công ty thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều.
Những nội dung được quy định trong Điều lệ công ty sẽ tạo ra cơ chế vận hành, quản lý công ty, các thành viên của công ty theo đó phải tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của Điều lệ công ty, thúc đẩy sự hoạt động ổn định và phát triển cho công ty. Đó luôn là điều mong muốn của mỗi doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty làm căn cứ giải quyết tranh chấp nội bộ công ty
Tranh chấp nội bộ công ty là điều không thể tránh khỏi trong tiến trình hoạt động và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp là một tổ chức được thành lập nên từ nhiều chủ thế, có quyền lợi và nghĩa vụ tương ứng đối với công ty.
Những tranh chấp này chỉ áp dụng theo Luật Doanh nghiệp 2014 và pháp luật khác có liên quan để giải quyết là chưa đủ và chưa tối ưu. Vì pháp luật hay quy định chung chung cho các doanh nghiệp, mà mỗi doanh nghiệp lại là một tổ chức có những đặc thù riêng, có cơ chế hoạt động riêng, mỗi người chủ sở hữu lại có nghệ thuật kinh doanh và nguyên tắc lãnh đạo riêng. Điều lệ của công ty sẽ phần nào phản ánh được những điều đặc thù ấy.
Cho nên, phương thức, nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ giữa các công ty là hoàn toàn không giống nhau, nếu mỗi công ty không có Điều lệ tổ chức và hoạt động riêng thì sẽ khó khăn hơn cho việc giải quyết mâu thuẩn khi có tranh chấp xảy ra.
Điều lệ sinh ra chính là căn cứ để giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động, giúp quản lý ổn định.
- Điều lệ công ty quy định những vấn đề cốt lõi của công ty để cho mọi đối tượng có thể tham khảo khi cần thiết.
Các thành viên, cổ đông công ty khi nhìn vào Điều lệ thì sẽ biết được quyền và nghĩa vụ của mình cũng như quyền và nghĩa vụ của các thành viên, cổ đông khác.
Người không phải thành viên công ty khi đọc Điều lệ công ty có thể biết được công ty này đang làm gì, người đại diện theo pháp luật của công ty là ai, cơ cấu tổ chức ra sao, quyền và nghĩa vụ của các cổ đông, thành viên như thế nào, quy định về góp vốn, về phương pháp tính thù lao, tiền lương, những nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ phát sinh,…
Nội dung của điều lệ công ty
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật doanh nghiệp 2014, Điều lệ công ty phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp và tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có).
- Vốn điều lệ của doanh nghiệp; đối với công ty cổ phần cần thêm nội dung tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần.
- Ngành, nghề kinh doanh của công ty.
- Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh nêu là công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập nếu là công ty cổ phần.
- Phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập nếu là công ty cổ phần.
- Cơ cấu tổ chức quản lý công ty.
- Quyền và nghĩa vụ của các thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, đối với công ty hợp danh; quyền và nghĩa vụ của các cổ đông đối với những người trong điều kiện thành lập công ty cổ phần.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ.
- Thể thức thông qua quyết định, nghị quyết của công ty.
- Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong hoạt động kinh doanh.
- Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên trong danh nghiệp.
- Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc mua lại cổ phần đối với công ty cổ phần.
- Các trường hợp giải thể doanh nghiệp, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản doanh nghiệp.
- Thể thức sửa đổi và bổ sung Điều lệ công ty.
Nguyên tắc xây dựng Điều lệ công ty
Để có thể soạn thảo nên một bản Điều lệ công ty hoàn chỉnh và phù hợp với quy định của pháp luật, doanh nghiệp buộc phải dựa theo nguyên tắc dưới đây:
- Thứ nhất, Điều lệ phải đảm bảo có đầy đủ nội dung chủ yếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, không được trái với các quy định của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp,Bộ luật dân sự, Luật Thương mại, pháp luật về thuế và kế toán,…
- Thứ hai, khi soạn thảo Điều lệ công ty phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận, Điều lệ là một hợp đồng nhiều bên, quy định quyền và nghĩa vụ của các bên, các chủ sở hữu công ty, quy định về việc tổ chức, quản lý và hoạt đồng của doanh nghiệp.
- Thứ ba, Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp phải có họ, tên và chữ ký của những người sau đây căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014:
- Các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
- Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
- Thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
- Cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty cổ phần.
- Thứ tư, khi muốn sửa đổi, bổ sung Điều lệ thì Điều lệ công ty mới bắt buộc phải có họ, tên và chữ ký của những người sau đây theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014 :
- Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh.
- Chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
- Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
- Người đại diện theo pháp luật đối với công ty cổ phần.
Lưu ý khi xây dựng Điều lệ công ty
- Mỗi công ty sẽ có một bản Điều lệ riêng phù hợp với cơ cấu tổ chức, tình hình thực tế của công ty mình, tránh các trường hợp sao chép điều lệ của công ty khác.
- Điều lệ cần được soạn thảo dựa trên nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận giữa các thành viên công ty, thông qua các cuộc họp và biểu quyết theo quy định, do người có quyền hạn ký xác nhận vào điều lệ.
- Pháp luật trao cho doanh nghiệp quyền tự quyết trong việc xây dựng Điều lệ công ty, nhưng doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ sự tự do trong khuôn khổ, nghĩa là nội dung của Điều lệ công ty cần đáp ứng đủ theo quy định của pháp luật và đồng thời, các quy định đấy không được trái với pháp luật cũng như không xâm phạm quyền và lợi của các bên thứ ba khác.
Trên đây là những tư vấn của Tư vấn Lợi Thế về những quy định của pháp luật hiện hành về Điều lệ công ty.
Quý khách có yêu cầu giải đáp thắc mắc về điều lệ công ty hay tư vấn, hỗ trợ thành lập công ty, doanh nghiệp, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua số Hotline: 0987 860 038 hoặc Email: hoangtham.ltk@gmail.com