Một số văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2022
04/11/2022 | 324– Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy mạnh phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 5/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phân bổ, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án…
– Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy mạnh ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp là thành viên (hoặc có đơn vị trực thuộc là thành viên) của Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia quán triệt tới tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nguyên tắc “Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng là hoạt động quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý và khắc phục kịp thời sự cố an toàn thông tin mạng”; hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng phải chuyển từ bị động sang chủ động và cơ quan chủ trì 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng…
– Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 trước tháng 11 năm 2022; tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia;…
– Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó và khắc phục mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ
Ngày 10/10/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện số 908/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ.
Ngày 13/10/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục ký Công điện 939/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng khẩn trương khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua; theo dõi chặt chẽ, nắm chắc thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới/bão và mưa lũ; chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động ven biển, đảo và tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…
Theo Công điện 964/CĐ-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và lãnh đạo các Bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, sinh hoạt sau lũ.
Trong đó, các địa phương bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nhất là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở.
– Hỗ trợ cá nhân kinh doanh thương mại điện tử kê khai, nộp thuế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 889/CĐ-TTg ngày 1/10/2022 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan:
Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có các giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) như hoàn thiện thể chế quản lý thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới…
Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân kinh doanh TMĐT kê khai, nộp thuế theo quy định; phối hợp, hướng dẫn các nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ pháp luật khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
– Bổ sung quy định về biên tập nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu
Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 1/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Nghị định 71/2022/NĐ-CP bổ sung mới điều 20a về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu.
– Tiêu chí nhập khẩu đối với các thiết bị in
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Nghị định 72/2022/NĐ-CP ngày 4/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28/2/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP.
Trong đó, Nghị định quy định cụ thể tiêu chí nhập khẩu đối với các thiết bị in.
– Quy định mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 5 cơ quan
Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tố chức của 5 cơ quan: Văn phòng Chính phủ (Nghị định 79/2022/NĐ-CP ngày 6/10/2022); Bộ Ngoại giao (Nghị định số 81/2022/NĐ-CP ngày 14/10/2022); Bộ Giáo dục và Đào tạo (Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022); Thông tấn xã Việt Nam (Nghị định 87/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Nghị định 89/2022/NĐ-CP ngày 28/10/2022).
– Cơ sở hóa chất phải tổ chức diễn tập ứng phó sự cố
Nghị định số 82/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ nêu rõ, hàng năm các cơ sở hóa chất phải tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng trong Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với sự chứng kiến hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương trong trường hợp cơ sở hóa chất có tồn trữ hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng dưới ngưỡng quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
– Nhiều chức danh lãnh đạo nữ được kéo dài tuổi nghỉ hưu
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
So với quy định cũ, Chính phủ bổ sung nhiều chức danh lãnh đạo nữ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không vượt quá 60 tuổi gồm: Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Trưởng ban Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là các chức danh: Phó Bí thư đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.
– Thành lập Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Nghị định số 84/2022/NĐ-CP ngày 20/10/2022 của Chính phủ về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế nêu rõ: Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.
Quỹ bảo tồn di sản Huế hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
– Phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tối đa 150 triệu đồng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.
– Nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022
Chính phủ ban hành Nghị quyết 130/NQ-CP ngày 6/10/2022 Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022.
Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực, gia tăng khả năng suy thoái kinh tế; cạnh tranh chiến lược và xung đột quân sự tại một số khu vực tiếp tục gay gắt… Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi, dễ phát sinh những vấn đề khó lường, phức tạp, chưa có tiền lệ. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực nhưng tăng trưởng có khả năng khó khăn hơn trong quý IV năm 2022 và năm 2023.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022.
– Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2021-2025 và Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Trong đó, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm sau: Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao hiệu quả thực thi thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.
– Chính phủ ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; giữ vững các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8 – 8,5%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỉ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp – xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%.
– Bảo đảm nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định 1286/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vaccine cho tiêm chủng đến năm 2030.
Mục tiêu của Chương trình là đáp ứng đủ nhu cầu vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm bắt buộc triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, vaccine dùng cho tiêm chủng dịch vụ và vaccine dùng trong phòng, chống dịch bệnh.
Đến năm 2025, làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine; sản xuất được tối thiểu 03 loại vaccine, trong đó có vaccine phòng bệnh phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh: Bạch hầu, Ho gà, uốn ván, bệnh do Haemophilus Influenzae (Hib) và một trong hai bệnh Bại liệt hoặc Viêm gan B.
Đến năm 2030, làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine; sản xuất được tối thiểu 5 loại vaccine; các vaccine sản xuất trong nước bảo đảm đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế.
– Thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thuộc tỉnh Khánh Hòa
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 20/2022/QĐ-TTg ngày 12/10/2022 quy định thí điểm phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị trên cơ sở đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa khi tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị theo thí điểm phân cấp phải đảm bảo tuân thủ các quy định về căn cứ, nguyên tắc, điều kiện điều chỉnh cục bộ, nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại pháp luật quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…
– Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế
Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 18/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2026, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 101.546 biên chế.
– Đến năm 2030, 50% lao động tại các doanh nghiệp đạt danh hiệu “Công dân học tập”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”.
Về mô hình học tập, Chương trình phấn đấu đến năm 2030 có 50% công nhân lao động tại các doanh nghiệp đạt danh hiệu “Công dân học tập” do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
– Chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1269/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án cụ thể triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với điều kiện của các bộ, ngành, địa phương; xác định rõ phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện…
– Chấn chỉnh ngay khuyết điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng
Tại Công văn số 890/TTg–V.I ngày 3/10/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh ngay những khuyết điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng; kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng…
– Bình ổn giá cả thị trường dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023
Tại Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 25/10/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
– Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu
Tại Thông báo số 326/TB-VPCP ngày 12/10/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.