Một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020

20/07/2020 | 604

mmm

  1. Không phải thông báo mẫu dấu trước khi dùng

Hiện nay, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (theo khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Còn Luật Doanh nghiệp mới không quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.

  • Theo đó, khi thực hiện đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp không cần đăng tải mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nữa.
  • Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ doanh nghiệp hoặc quy chế do doanh nghiệp hoặc đơn vị của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch hành chính và dân sự theo quy định của pháp luật có liên quan.
  • Doanh nghiệp được toàn quyền quyết định loại dấu (dấu dưới hình thức dấu thông thường hoặc dấu điện tử dưới hình thức chữ ký số); số lượng, hình thức và nội dung con dấu của của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác.
  1. Tạm ngừng kinh doanh chỉ cần báo trước 3 ngày

Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo (khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Quy định này áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo (Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014).

Theo đó có thể thấy, Luật Doanh nghiệp 2020 đã rút ngắn thời hạn thông báo tạm ngừng kinh doanh từ 15 ngày xuống còn 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh.

  1. Quy định về hộ kinh doanh

Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 không còn quy định về hộ kinh doanh mà sẽ ban hành một Luật riêng để điều chỉnh.

Hộ kinh doanh trước trước đây được quy định tại Chương VIIa Luật Doanh nghiệp 2014. Xuất phát từ thực tế số hộ kinh doanh ở Việt Nam là rất lớn so với các doanh nghiệp, bên cạnh đó bản chất, cách thức và quy mô hoạt động của hộ kinh doanh cũng rất khác so với doanh nghiệp. Do vậy, việc xây dựng một luật riêng điều chỉnh hoạt động của hộ kinh doanh là rất cần thiết.

Trong thời gian chưa có luật riêng điều chỉnh cho hộ kinh doanh, Chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn liên quan đến thủ tục đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh.

  1. Thêm đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp
    So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 bổ sung thêm 01 đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp là “Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự”.

Theo đó, khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2020, tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

– Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

  1. Quy định về tỷ lệ vốn trong doanh nghiệp Nhà nước

Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 sửa đổi quy định liên quan đến thay đổi tỷ lệ vốn góp trong doanh nghiệp Nhà nước.

Theo khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2020: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này”.

Cụ thể, Điều 88 Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 quy định khái niệm doanh nghiệp Nhà nước theo các loại doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước với các mức độ sở hữu khác nhau:

1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

  1. a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
  2. b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên, trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết bao gồm:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoặc trong nhóm công ty mẹ – công ty con.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
  1. Bỏ quy định về thời hạn sở hữu cổ phần phổ thông
    Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng tại khoản 2 Điều 114 Luật hiện hành để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

Theo đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% (thay vì 10%) tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:

– Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;

– Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp;

– Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết;

– Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.

  1. Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp

Điều 41 Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

Từ năm 2021, ngoài quy định về chữ viết nêu trên thì tại khoản 2 Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm yêu cầu, tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh” (hiện nay chỉ áp dụng với chi nhánh, văn phòng đại diện).