Hưng Yên mùa ong làm mật

28/03/2018 | 562

Cứ mỗi độ tháng 3 âm lịch, khi hoa nhãn nở rộ, cũng là lúc “vào vụ” của các hộ nuôi ong lấy mật ở Hưng Yên.

Mật ong có ở nhiều nơi, nhưng sánh vàng mà không đặc quánh, ngọt ngào mà không đậm khé như mật ong hoa nhãn thì quả là một sản vật được trời phú riêng cho vùng đất nhãn lồng Hưng Yên. Chính bởi vậy, mật ong hoa nhãn Hưng Yên từ lâu đã được người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn vừa để sử dụng như một gia vị, thức uống và làm thuốc chữa bệnh, vừa được dùng làm quà biếu tặng thể hiện tấm lòng thơm thảo của người Hưng Yên.

Dưới đây là một số hình ảnh Hưng Yên vào mùa ong làm mật:

 

Không chỉ các hộ làm nghề tại Hưng Yên mà rất nhiều người nuôi ong lấy mật ở các tỉnh, thành phố khác cũng tranh thủ mang đàn ong tới khai thác mật đúng lúc hoa nhãn nở từng chùm nặng trĩu, khoe sắc tỏa hương khắp đất trời. Trong dịp này, có thể thấy các thùng nuôi ong ở khắp mọi nơi, trong vườn nhãn, dưới chân đê nơi bạt ngàn hoa nhãn.

Theo các thợ nuôi ong, thời gian khai thác mật ong hoa nhãn không dài, chỉ khoảng từ 30 – 35 ngày. Vì vậy, những người thợ phải dựng tạm lán trại, chịu đựng mọi điều kiện thời tiết và cảnh xa gia đình, sinh hoạt thiếu thốn để trông nom đàn ong và tận dụng triệt để thời gian khai thác mật.

Như hiểu rõ đặc tính nở rộ và sớm tàn của loài hoa nhãn quý, những chú ong cũng chăm chỉ, hối hả đi “ăn hoa”, làm ra những giọt mật tươi ngon, thanh khiết.

Đối với người thợ ong, được “lộc trời” là khi hoa nhãn xum xuê, trời nắng đẹp, mùa hoa kéo dài, ong vừa khỏe, vừa đông lại được nhiều mật. Cứ 3 – 4 ngày là họ có thể thu được một lứa mật.

Lấy mật ong không phải là công việc nhẹ nhàng. Để lấy được các cầu ong từ các thùng dày đặc ong như thế này, trừ một số thợ ong dày dạn, hầu hết người nuôi ong phải chùm áo, mũ kín mít và dùng bình phun khói, hoặc đốt các chậu củi tạo khói cho ong bay ra xa.

Lấy được các cầu ong rồi, thợ ong phải cắt các mũ sáp che kín các ô chứa mật, rồi lắp chúng vào một chiếc máy quay li tâm để tách lấy mật ong.

 

Máy sẽ quay cho đến khi mật văng hết ra khỏi các ô chứa.

Nhưng chưa phải như vậy là đã có ngay thành phẩm, mà người thợ ong còn phải lọc mật để loại bỏ phần sáp cũng như các ấu trùng ong và ong mật còn sót lại hoặc bị sa chân rơi xuống.

Đến lúc này, mật ong hoa nhãn đã sẵn sàng để đóng chai, theo chân người mua mật đi khắp mọi miền, dâng hiến hương vị ngọt ngon, bổ dưỡng cho đời.

Thanh Mai – Lưu Vân