Đơn vị sự nghiệp được ký hợp đồng lao động theo nhu cầu sử dụng

03/02/2023 | 453

 Để giải quyết vướng mắc về nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP quy định được ký kết hợp đồng thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập.

22/01/2023  07:02

Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, thay thế cho Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và Nghị quyết số 102/NQ-CP; có hiệu lực thi hành từ ngày 22/2/2023.

Nghị định cụ thể hóa các quy định chung về hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm thống nhất, đồng bộ các chính sách, các quy định liên quan đến người lao động trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và định hướng cải cách tiền lương đã được đề ra; nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026; giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn sau hơn 20 năm thực hiện các quy định của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và gần 3 năm thực hiện quy định sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.

Quy định mới về hợp đồng trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp - Ảnh 1.
Nghị định quy định cụ thể các trường hợp chuyển tiếp khi chuyển sang thực hiện theo quy định mới để bảo đảm chế độ, quyền lợi cho người lao động.

Nghị định số 111/2022/NĐ-CP gồm 4 Chương, 15 Điều, bổ sung nhiều quy định mới so với các văn bản trước đó.

Trước tiên, Nghị định bổ sung đối tượng điều chỉnh, áp dụng đối với cả cơ quan hành chính của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; ngoài quy định tại Nghị định này, các cơ quan này còn chịu sự điều chỉnh của Điều lệ, quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội có liên quan.

Gỡ vướng về nhân lực cho y tế và giáo dục

Nghị định cũng nêu rõ 3 loại công việc thực hiện hợp đồng bao gồm:

Thứ nhất, các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Người lao động được hưởng tiền lương và các chế độ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng. Tiền lương theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật lao động hoặc áp dụng theo bảng lương của công chức, viên chức phù hợp với khả năng ngân sách của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trường hợp thỏa thuận áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức thì các loại phụ cấp được hưởng (nếu có) được tính vào tiền lương; chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến tiền lương thực hiện như công chức, viên chức.

Thứ hai là các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức nhưng không được tính trong biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Khi thôi đảm nhiệm các công việc này thì những người lao động này chuyển sang ký hợp đồng lao động làm các công việc hỗ trợ, phục vụ, thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan nếu người lao động có nhu cầu.

Thứ ba, để giải quyết vướng mắc về nhân lực, đặc biệt đối trong lĩnh vực sự nghiệp y tế và sự nghiệp giáo dục, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP quy định được ký kết hợp đồng thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định quy định 2 loại hợp đồng trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đối với các công việc ở trên, gồm: Hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động và quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.

Các hợp đồng này được ký kết bằng văn bản; trường hợp giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử thì có giá trị như hợp đồng bằng văn bản.

Quy định cụ thể thẩm quyền ký kết hợp đồng

Điểm đáng chú ý nữa là Nghị định quy định cụ thể hình thức, điều kiện ký kết hợp đồng, tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng, thẩm quyền ký kết hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ, chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, về thẩm quyền ký kết hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ, đối với cơ quan hành chính thì người đứng đầu cơ quan hành chính mà cơ quan hành chính này được xác định là đầu mối được giao biên chế và kinh phí quản lý hành chính từ ngân sách nhà nước là người có thẩm quyền ký hợp đồng và quyết định số lượng hợp đồng hoặc có thể phân cấp, ủy quyền bằng văn bản cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc hoặc trực thuộc thực hiện.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là người có thẩm quyền ký hợp đồng, có thể ủy quyền bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị thuộc hoặc trực thuộc thực hiện.

Việc ký kết hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ chỉ áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Về thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP quy định thẩm quyền theo mức độ tự chủ, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư của đơn vị.

Cụ thể, đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2) và đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3) có mức tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% thì người đứng đầu đơn vị là người có thẩm quyền ký hợp đồng hoặc ủy quyền ký hợp đồng.

Đối với đơn vị nhóm 3 tự bảo đảm từ 10% đến dưới 70% chi thường xuyên và đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 4) thì người có thẩm quyền ký hợp đồng làm việc với viên chức theo quy định của pháp luật về viên chức là người có thẩm quyền ký hợp đồng hoặc ủy quyền ký hợp đồng.

Về thẩm quyền ký kết hợp đồng dịch vụ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị trực tiếp ký hợp đồng theo đề xuất của đơn vị hoặc ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị ký; trường hợp UBND cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện ký hợp đồng sau khi báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp tỉnh.

Đơn vị sự nghiệp công lập được ký hợp đồng theo nhu cầu

Để vừa bảo đảm giải quyết vướng mắc về nhân lực, đặc biệt đối trong lĩnh vực sự nghiệp y tế và sự nghiệp giáo dục, vừa hạn chế việc các đơn vị sự nghiệp công lập lạm dụng hợp đồng, không thực hiện tuyển dụng, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP đã quy định cụ thể việc ký kết hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập được ký kết hợp đồng lao động theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị.

Đơn vị nhóm 3 và nhóm 4 nếu còn số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền giao thì phải thực hiện tuyển dụng đối với số được giao.

Việc ký kết hợp đồng dịch vụ với đơn vị, tổ chức ngoài công lập để thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực giáo dục và y tế chỉ được thực hiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh nơi tổ chức chính quyền đô thị và nơi thí điểm tổ chức chính quyền đô thị. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Trung ương quản lý nằm trên địa bàn các địa phương nêu trên do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan quản lý ở Trung ương quyết định.

Làm rõ về kinh phí thực hiện ký hợp đồng

Nghị định mới quy định rõ về kinh phí thực hiện ký hợp đồng để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thực hiện và bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện các quy định mới.

Đối với cơ quan hành chính thì kinh phí thực hiện hợp đồng công việc hỗ trợ, phục vụ từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu khác (nếu có), nằm ngoài quỹ lương của cơ quan.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì kinh phí thực hiện hợp đồng lao động công việc hỗ trợ, phục vụ, chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách. Đối với các đơn vị thực hiện cơ chế tài chính đặc thù thì thực hiện theo cơ chế tài chính đặc thù do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bảo đảm chế độ, quyền lợi người lao động

Để bảo đảm chế độ, quyền lợi cho người lao động đã thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và Nghị quyết số 102/NQ-CP, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP đã quy định cụ thể các trường hợp chuyển tiếp khi chuyển sang thực hiện theo quy định mới.

Theo đó, người lao động được tiếp tục làm việc hoặc được giải quyết chế độ thôi việc, tinh giản biên chế tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện cụ thể của các bên.

Bên cạnh đó, trường hợp người lao động theo quy định tại khoản này còn dưới 24 tháng đến thời điểm nghỉ hưu tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện công việc và chế độ, chính sách đang hưởng mà không phải ký hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định này.

Người đang làm các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức đang ký hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP thì không phải ký lại hợp đồng theo quy định tại Nghị định này.

Các quy định mới tại Nghị định số 111/2022/ND-CP không phát sinh thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính; bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về lao động, cán bộ, công chức, viên chức, dân sự và không phát sinh nội dung đặc thù về giới và bình đẳng giới trong Nghị định.

Theo https://baochinhphu.vn/