Những điều cần biết về việc phát hành cổ phần riêng lẻ MỚI (PHẦN 1)

08/03/2021 | 678

 loithe

Điều 123, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cụ thể việc chào bán cổ phần:

1. Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ.

2. Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;

b) Chào bán cổ phần riêng lẻ;

c) Chào bán cổ phần ra công chúng.

Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Theo đó đã có  những điểm thay đổi cơ bản về việc phát hành cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng.

Về nguyên tắc, công ty niêm yết hoặc chưa niêm yết đều có hai hình thức chào bán cổ phần cơ bản là chào bán cổ phần ra công chúng và chào bán cổ phần riêng lẻ. Pháp luật không quy định tỷ lệ số vốn mà doanh nghiệp muốn phát hành thêm, cũng không giới hạn số vốn mà doanh ngiệp được phép tăng trong 1 năm. Doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng các quy định đối với việc chào bán chứng khoán ra công chúng và chào bán riêng lẻ.

Lợi ích của việc phát hành cổ phần riêng lẻ

Luật Doanh nghiệp năm 2014 không giải thích thế nào là phát hành cổ phần riêng lẻ, nhưng Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã làm rõ vấn đề này. Theo đó, chào bán cổ phần riêng lẻ là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ và đáp ứng hai điều kiện: một là, không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng; hai là, chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Điểm khác biệt lớn nhất khi phát hành cổ phần riêng lẻ so với các hình thức khác là vốn điều lệ của công ty tăng lên, có cổ đông mới tham gia và số lượng cổ đông mua cổ phần được hạn chế theo các điều kiện nhất định.

Việc phát hành cổ phần riêng lẻ sẽ có hai lợi ích cơ bản là dòng tiền đầu tư của nhà đầu tư sẽ được chảy vào công ty mà không phải là các cổ đông của công ty như hình thức chuyển nhượng vốn và nhà đầu tư/cổ đông cũng không phải chịu thuế khi thực hiện giao dịch.

3 điểm thay đổi cơ bản về việc phát hành cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, có 3 điểm thay đổi cơ bản về việc phát hành cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng.

Thứ nhất, liên quan việc chào bán cổ phần riêng lẻ với cơ quan đăng ký kinh doanh, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định chào bán cổ phần riêng lẻ, công ty phải thông báo việc chào bán cổ phần riêng lẻ với cơ quan đăng ký kinh doanh và chỉ có quyền bán cổ phần sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà không nhận được ý kiến phản đối của cơ quan đăng ký kinh doanh.

Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bãi bỏ quy định này nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp rút ngắn thời gian để hoàn tất giao dịch mua bán – sáp nhập (A&M) khi thực hiện thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ. Doanh nghiệp chỉ phải thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phần riêng lẻ.

Thứ hai, về quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông hiện hữu, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì việc thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần của các cổ đông hiện hữu không được thể hiện rõ, mà được hiểu rằng, cổ đông hiện hữu có thể được xem là đã từ bỏ quyền ưu tiên mua cổ phần mới khi nghị quyết của đại hội đồng cổ đông chấp thuận việc phát hành thêm cổ phần được thông qua.

Đến Luật Doanh nghiệp năm 2020, vấn đề này đã được làm rõ theo hướng: sau khi công ty quyết định phương án chào bán cổ phần riêng lẻ, thì cổ đông của công ty phải thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần; trường hợp cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua không mua hết, thì số cổ phần còn lại mới được bán cho người khác theo phương án chào bán cổ phần riêng lẻ với điều kiện không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác.

Trên thực tế, khi công ty mục tiêu cần huy động vốn từ các nhà đầu tư, thì vị thế đàm phán của nhà đầu tư cũng khác so với vị thế của cổ đông hiện hữu. Thông thường, nhà đầu tư sẽ chỉ giải ngân dòng vốn khi công ty mục tiêu đảm bảo các điều kiện nhất định về cả khía cạnh pháp lý cũng như tài chính, thương mại. Do đó, việc nhà làm luật cho phép đại hội đồng cổ đông công ty được chủ động đặt ra các điều kiện cho nhà đầu tư, kể cả thuận lợi hơn so với cổ đông hiện hữu, là việc rất cần thiết, nâng cao sự chủ động cho doanh nghiệp và nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch M&A theo thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ.

Thứ ba, về việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định rõ, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A theo hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ, thì có cần phải áp dụng thủ tục xin chấp thuận của sở kế hoạch và đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư hay không. Điều này đã gây ra một số lúng túng trong thời gian đầu khi thi hành Luật.

Bằng việc khẳng định, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần chào bán riêng lẻ phải làm thủ tục về mua cổ phần theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã xác định cụ thể các bước mà nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khi áp dụng pháp luật.

Công ty Tư vấn Lợi Thế  đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.

Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.

Hotline: 0987.860.038 (zalo/facebook, Ms Thắm)