Trục lợi tiền từ thiện có thể bị phạt tù chung thân

25/10/2020 | 540

Để hỗ trợ đồng bào một số tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ, sạt lở đất thì nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi ủng hộ từ thiện. Bên cạnh đó, một số cá nhân lợi dụng tình hình để trục lợi tiền từ thiện. Hành vi này nếu bị kết án có thể bị phạt tù chung thân.

20201025_215944


Lợi dụng tình hình bão lũ tại miền Trung một số cá nhân đã mạo danh người nổi tiếng để huy động tiền ủng hộ hoặc tự kêu gọi ủng hộ nhưng với mục đích là chiếm đoạt số tiền từ thiện đó. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hành vi cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Căn cứ khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thỏa mãn một trong các dấu hiệu sau:

– Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 02 triệu đồng trở lên.

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.

– Đã bị kết án về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

– Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Khung hình phạt Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

* Khung hình phạt cơ bản

Khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”

Như vậy, khung hình phạt nhẹ nhất nếu bị kết án về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

* Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất

Theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 – 07 năm:

– Có tổ chức;

– Có tính chất chuyên nghiệp;

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng;

– Tái phạm nguy hiểm;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

– Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

* Khung hình phạt tăng nặng thứ hai

Căn cứ khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 – 15 năm:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng;

– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

* Khung hình phạt tăng nặng thứ ba

Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 – 20 năm hoặc tù chung thân:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu trở lên.

– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Ngoài việc bị áp dụng một trong những hình phạt chính như trên thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 – 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (theo khoản 5 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015).

Kết luận: Tùy thuộc vào việc trục lợi tiền từ thiện xảy ra trên thực tế, nếu bị kết án về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hình phạt chính cao nhất là tù chung thân.