Ghi ngành, nghề kinh doanh trong đăng ký doanh nghiệp

06/06/2020 | 933

gagg

HỎI

Tôi đang có ý định thành lập doanh nghiệp và phải khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nhưng lại cho rõ lắm các quy định về các ngành nghề được đăng ký kinh doanh. Xin cho biết pháp luật Nhà nước Việt Nam hiện quy định thế nào về việc ghi ngành, nghề kinh doanh trong đăng ký doanh nghiệp?
ĐÁP

Việc ghi ngành, nghề kinh doanh trong đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Điều 7 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định: “Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.

Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2015. Qua hơn 1 năm thực hiện quy định về ghi ngành, nghề kinh doanh trong đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh đã tiếp nhận được một số đề nghị hướng dẫn vướng mắc khi xác định ngành, nghề kinh doanh trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam của các cá nhân, tổ chức đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc bổ sung ngành, nghề kinh doanh. Theo đó, khi đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp thường gặp lúng túng trong việc xác định ngành kinh doanh đối với một số hoạt động, ngành, nghề kinh doanh mới xuất hiện hoặc những hoạt động kinh doanh có tính chất đặc thù, chưa phổ biến.

Để hiểu hơn việc ghi mã ngành, nghề kinh doanh trong đăng ký doanh nghiệp, Tư vấn Lợi Thế sẽ đưa ra một vài nguyên tắc chung giúp người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp không còn gặp khó khăn trong việc xác định và xếp mã ngành, nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, bài viết cung cấp danh sách một số ngành, nghề kinh doanh cụ thể đã được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hướng dẫn chi tiết để các cá nhân, tổ chức có thể tham khảo.

1. Về nguyên tắc chung xác định hoạt động vào ngành theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 và việc ghi ngành, nghề kinh doanh

Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 (Vietnam Standard Industrial Classification – gọi tắt là VSIC 2007) là bảng phân loại chuẩn các hoạt động kinh tế diễn ra trong lãnh thổ kinh tế Việt Nam theo 5 cấp độ ngành và chú giải chi tiết nội dung từng ngành.

Việc xác định hoạt động kinh tế thuộc mã ngành kinh tế nào trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 (VSIC 2007) – ban hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 – phải dựa vào đặc trưng được thể hiện bằng quy trình hoạt động (hoạt động gì: sản xuất, mua bán hay dịch vụ), nguyên liệu đầu vào của hoạt động (dùng nguyên liệu gì) và đặc điểm, sản phẩm đầu ra của hoạt động. Đây là 3 tiêu chí cần xác định để xếp một hoạt động kinh tế vào ngành trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 (VSIC 2007).

Việc mô tả chi tiết hoạt động kinh tế mà doanh nghiệp dự kiến kinh doanh là cơ sở quan trọng được lấy làm căn cứ để xác định chính xác mã ngành kinh doanh theo nguyên tắc xếp mã của Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 (VSIC 2007). Do vậy, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp hoặc người thành lập doanh nghiệp cần lưu ý:

a) Trường hợp hoạt động kinh tế đã có tên trong VSIC 2007, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh. Nội dung cụ thể của ngành kinh tế cấp bốn được quy định tại Quyết định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.

Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp là ngành, nghề kinh doanh chi tiết doanh nghiệp đã ghi.

Ví dụ trường hợp đăng ký ngành, nghề kinh doanh “Khai thác cát sông”, doanh nghiệp chọn ngành cấp  4 (mã ngành 0810: Khai thác đá, cát, sỏi, đất sét), sau đó ghi chi tiết tên ngành, nghề “Khai thác cát sông” ngay dưới tên ngành cấp 4 trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, cụ thể như sau:

 

b) Trường hợp hoạt động kinh tế chưa có tên trong VSIC 2007, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp cần mô tả chi tiết hoạt động mà doanh nghiệp dự kiến kinh doanh theo các tiêu chí gồm: quy trình hoạt động, nguyên liệu đầu vào và tên sản phẩm đầu ra cụ thể.

Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.

c). Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Trong thời gian qua, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đăng ký doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có các văn bản hướng dẫn việc xác định và mã hóa một số ngành, nghề kinh doanh cụ thể. Trên cơ sở đó, chúng tôi tập hợp dưới đây một số ngành, nghề kinh doanh được Tổng cục Thống kê xếp vào các ngành và áp mã cụ thể. Người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể tham khảo các ngành, nghề được xếp mã sau đây khi có nhu cầu đăng ký doanh nghiệp hoặc thay đổi, bổ sung ngành, nghề đăng ký kinh doanh.

Căn cứ Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2007 (VSIC 2007) ban hành theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007; Căn cứ nguyên tắc sắp xếp hoạt động vào ngành kinh tế thuộc VSIC 2007,

1/ Hoạt động Bán buôn nọc côn trùng và thảo dược được phân vào mã 4620: Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống.

2/ Hoạt động “Cung cấp việc tiếp cận các phương tiện truyền giọng nói, dữ liệu, ký tự, âm thanh, hình ảnh, sử dụng hạ tầng viễn thông vệ tinh” được phân vào mã 6130: Hoạt động viễn thông vệ tinh.

3/ Hoạt động “Cung cấp và làm đại lý dịch vụ ứng dụng viễn thông, làm đại lý dịch vụ viễn thông sử dụng hạ tầng viễn thông vệ tinh. Cung cấp và làm đại lý các ứng dụng viễn thông chuyên dụng gồm: Theo dõi hoạt động và giám sát tàu thuyền và các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và các phương tiện nổi, công trình thủy, các tài sản và cơ sở khác trên biển, trên sông và trên đất liền. Đo, gửi thông tin và điều khiển từ xa, phát hiện cá từ xa và các trạm radar” được phân vào mã 6190: Hoạt động viễn thông khác.

4/ Hoạt động “Kinh doanh thuốc lá điện tử, kinh doanh shisha” (xác định đối với các hoạt động bán buôn, bán lẻ) được phân vào các mã như sau:

– Nếu là hoạt động đại lý, xếp vào mã 46101: Đại lý;

– Nếu là hoạt động bán buôn, xếp vào mã 46340: Bán buôn sản phẩm thuốc lá, thuốc lào;

– Nếu là hoạt động bán lẻ trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, xếp vào mã 47110: Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào chiếm tỷ trọng lớn trong các cửa hàng kinh doanh tổng hợp;

– Nếu là hoạt động bán lẻ trong các cửa hàng chuyên doanh, xếp vào mã 47240: Bán lẻ sản phẩm thuốc lá, thuốc lào trong các cửa hàng chuyên doanh;

– Nếu là hoạt động bán lẻ tại các chợ hoặc bán lưu động, xếp vào mã 47814: Bán lẻ sản phẩm thuốc lá, thuốc lào lưu động hoặc tại chợ.

5/ Hoạt động “Phân phối khí hóa lỏng” bao gồm các hoạt động sau:

– Nếu phân phối qua đại lý được xếp vào mã 46101: Đại lý;

– Nếu phân phối thông qua hình thức bán buôn được xếp vào mã 46614: Bán buôn khí đốt và các sản phẩm liên quan;

– Nếu phân phối thông qua hình thức bán lẻ trong các cửa hàng chuyên doanh được xếp vào mã 47735: Bán lẻ dầu hỏa, gas, than nhiên liệu dùng cho gia đình trong các cửa hàng chuyên doanh;

– Nếu phân phối thông qua hình thức bán lẻ lưu động hoặc tại chợ được xếp vào mã 47899: Bán lẻ hàng hóa khác chưa được phân vào đâu, lưu động hoặc tại chợ;

– Nếu phân phối thông qua hình thức bán lẻ hình thức khác (trừ bán lẻ tại cửa hàng, lưu động  hoặc tại chợ) được xếp vào mã 47990: Bán lẻ hình thức khác chưa được phân vào đâu.

6/ Hoạt động “Dịch vụ sinh trắc dấu vân tay” được xếp vào mã 74909: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác còn lại chưa được phân vào đâu.

7/ Hoạt động “Tìm kiếm thân nhân bị thất lạc” được phân vào mã 8030: Dịch vụ điều tra.

8/ Hoạt động “Đào tạo, giảng dạy phong thủy” được xếp vào mã 85590: Giáo dục khác chưa được phân vào đâu.

9/ Hoạt động “Tư vấn phong thủy” được xếp vào mã 74909: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác còn lại chưa được phân vào đâu.

10/ Hoạt động “Dịch vụ kết nối vận tải” được xếp vào mã 63290: Dịch vụ thông tin khác chưa được phân vào đâu.

11/ Đối với hoạt động khai thác đá, về nguyên tắc phân chia thành hai trường hợp cụ thể như sau:

– Nếu hoạt động bao gồm đập, chẻ đá tại mỏ cùng dây chuyên sản xuất của doanh nghiệp khai thác khoáng sản thì hoạt động này được xếp vào mã 08101: Khai thác đá;

– Nếu hoạt động bao gồm mua đá thô rồi đập, chẻ thành đá làm nguyên liệu thô và bán tại địa điểm khác cho sản xuất vật liệu xây dựng thì được xếp vào mã 46633: Bán buôn gạch xây, ngói, đá, cát, sỏi.

12/ Hoạt động “Lắp đặt lò đốt không khói” được xếp vào mã 33200: Lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp.

13/ Hoạt động “Múa lân” được xếp vào mã 90000: Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí.


Công ty tư vấn Lợi Thế đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 0987 860 038 hoặc Email: hoangtham.ltk@gmail.com