Thủ tục hủy hóa đơn theo thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính

20/05/2020 | 700

Trong quá trình sản xuất và kinh doanh, nếu doanh nghiệp gặp phải các trường hợp sau:

– Thay đổi địa điểm kinh doanh làm thay đổi cơ quan quản lý thuế trực tiếp và doanh nghiệp không muốn tiếp tục sử dụng số hóa đơn đã phát hành nhưng chưa sử dung hết;

– Được cơ quan thuế chấp thuận ngưng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế);

– Phát hành loại hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã thông báo phát hành mà chưa sử dụng hết;

– Không tiếp tục sử dụng hóa đơn đã mua từ cơ quan thuế;

– Hóa đơn đặt in bị in sai, in trùng, in thừa thì phải tiến hành thủ tục hủy hóa đơn.

Trường hợp thay đổi tên, địa chỉ Công ty: Đối với các số hóa đơn đã thực hiện thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên, địa chỉ trên tờ hóa đơn, khi có sự thay đổi tên, địa chỉ:

  • Nếu tổ chức không có nhu cầu sử dụng số hóa đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng hết thì thực hiện hủy các số hóa đơn chưa sử dụng và thực hiện thông báo kết quả hủy hóa đơn với cơ quan thuế nơi chuyển đi và thực hiện thông báo phát hành hóa đơn mới với cơ quan thuế nơi chuyển đến

Thời hạn hủy hóa đơn chậm nhất là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày thông báo với cơ quan thuế. Trường hợp cơ quan thuế đã thông báo hóa đơn hết giá trị sử dụng (trừ trường hợp thông báo do thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế), doanh nghiệp phải hủy hóa đơn, thời hạn hủy hóa đơn chậm nhất là mười (10) ngày kể từ ngày cơ quan thuế thông báo hết giá trị sử dụng hoặc từ ngày tìm lại được hóa đơn đã mất.

Doanh nghiệp có hóa đơn hủy phải tiến hành theo thủ tục sau:

– Lập Bảng kiểm kê hóa đơn cần hủy;

– Thành lập Hội đồng hủy hóa đơn. Hội đồng hủy hóa đơn phải có đại diện lãnh đạo, đại diện bộ phận kế toán của doanh nghiệp;

– Các thành viên Hội đồng hủy hóa đơn phải ký vào biên bản hủy hóa đơn và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai sót.

Hồ sơ hủy hóa đơn được tạo lập gồm:

– Quyết định thành lập Hội đồng hủy hóa đơn;

– Bảng kiểm kê hóa đơn cần hủy ghi chi tiết: tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số lượng hóa đơn hủy (từ số… đến số… hoặc kê chi tiết từng số hóa đơn nếu số hóa đơn cần hủy không liên tục);

– Biên bản hủy hóa đơn;

– Thông báo kết quả hủy hóa đơn (theo mẫu số 3.11 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC). Trong thông báo phải có nội dung: loại, ký hiệu, số lượng hóa đơn hủy từ số… đến số, lý do hủy, ngày giờ hủy, phương pháp hủy.

Hồ sơ hủy hóa đơn này sẽ được lưu tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ phải gửi Thông báo kết quả hủy hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày thực hiện hủy hóa đơn để hoàn thành thủ tục hủy hóa đơn theo quy định.

Lưu ý: Không tiến hành hủy hóa đơn theo trình tự trên đối với:

– Các loại hóa đơn đã lập của các đơn vị kế toán (vì các loại này sẽ được hủy theo quy định của pháp luật về kế toán).

– Các loại hóa đơn chưa lập nhưng là vật chứng của các vụ án (trường hợp này sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật).

Công ty Tư vấn Lợi Thế đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 0987 860 038 hoặc Email: hoangtham.ltk@gmail.com