4 điều cần lưu ý trong tranh chấp hợp đồng thương mại
30/01/2021 | 550Tranh chấp hợp đồng thương mại (tranh chấp thương mại) được hiểu là những tranh chấp phát sinh do việc một hoặc nhiều bên trong quan hệ hợp đồng thương mại không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các thỏa thuận và cam kết được ghi nhận tại hợp đồng trong quá trình hoạt động thương mại.
Tranh chấp hợp đồng thương mại thường có các yếu tố cơ bản sau đây:
- Có quan hệ hợp đồng thương mại tồn tại giữa các bên;
- Có sự bất đồng ý kiến của các bên về sự vi phạm hoặc xử lý hậu quả phát sinh từ sự vi phạm;
- Có sự vi phạm nghĩa vụ (hoặc cho rằng là vi phạm nghĩa vụ) của một bên trong quan hệ đó;
- Tranh chấp hợp đồng thương mại thường hình thành từ sự vi phạm hợp đồng nhưng không phải sự vi phạm nào cũng dẫn đến tranh chấp hợp đồng.
Làm sao để có thể nhận diện và tiên liệu được các rủi ro nhằm ngăn ngừa các khả năng, nguy cơ xảy ra tranh chấp thương mại?
Thứ nhất, các bên là chủ thể có quyền cao nhất để tự định đoạt việc giải quyết tranh chấp
Điều này thể hiện ở việc các bên có thể lựa chọn một phương thức giải quyết tranh chấp theo ý chí của mình, trong đó có thể kể đến các hình thức sau đây:
Hòa giải: là việc thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột một cách ổn thỏa. Điểm khác cơ bản giữa thương lượng và hòa giải là trong hòa giải có sự tham gia của bên thứ ba với tư cách người trung gian đứng ra dàn xếp việc giải quyết xung đột giữa các bên.
Thương lượng: là hình thức giải quyết tranh chấp không cần có sự can thiệp của bên thứ ba. Luật sư có thể tham gia với vai trò tư vấn cho các bên về chiến lược, mục tiêu, điểm mạnh và điểm yếu trong đàm phán để từ đó các bên có thể tự gặp gỡ và thỏa thuận, trao đổi giải quyết các vấn đề bất đồng.
Tổ chức tài phán: khi thương lượng và hòa giải không có kết quả, các bên có thể tiến hành khởi kiện vụ việc ra một cơ quán có thẩm quyền để giải quyết. Hiện nay, ở Việt Nam có hai cơ quan chủ yếu thường xuyên thụ lý và giải quyết các tranh chấp về thương mại là:
- Trọng tài: là phương thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại, được tiến hành bởi một hội đồng trọng tài. Theo Khoản 5 Điều 61 của Luật Trọng tài thương mại 2010, phán quyết của trọng tài sẽ có giá trị chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
- Tòa án: Là cơ quan tư pháp của nhà nước Việt Nam có chức năng xét xử. Theo Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động kinh doanh, thương mại, bao gồm cả tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thương mại. Khác với cơ chế giải quyết bằng trọng tài, theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, một vụ án được giải quyết tại tòa án sẽ phải trải qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Theo đó, bản án hoặc quyết định sơ thẩm của tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị để tiếp tục xét xử phúc thẩm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài chỉ được áp dụng khi các bên có sự thỏa thuận rõ ràng và cụ thể về việc lựa chọn trọng tài để giải quyết, nếu không, mặc nhiên các tranh chấp này chỉ có thể được giải quyết bởi tòa án có thẩm quyền; Có chăng việc các bên thứ ba khác tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp chỉ mang tính chất hỗ trợ và làm “xúc tác” để dung hòa các mâu thuẫn đang hiện hữu trong quan hệ hợp đồng, không thể chi phối quyền quyết định cuối cùng của các bên trong hợp đồng thương mại.
Tùy thuộc vào mức độ và tính chất phức tạp của tranh chấp thương mại mà các bên có thể chủ động cân nhắc những phương án nói trên để phù hợp với hoàn cảnh thực tế mà vốn dĩ không ai có quyền thay thế định đoạt.
Thứ hai, tranh chấp hợp đồng thương mại luôn gắn liền với lợi ích của các bên.
Đây là hai phạm trù không thể tách rời nhau bởi lẽ tranh chấp thương mại bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm cả nguyên nhân chủ quan như chiến lược và mục tiêu kinh doanh của các bên thay đổi, sự mất cân bằng về tài chính của doanh nghiệp, …Điều này làm nảy sinh các xung đột về lợi ích và tiềm ẩn khả năng trở thành tranh chấp thương mại nếu không được kịp thời giải quyết.
Hoặc các nguyên nhân khách quan như sự biến động của thị trường, sự kiện bất khả kháng, tác động của sự thay đổi chính sách pháp luật,…Dẫn đến kết quả là quá trình thực hiện hợp đồng thương mại không thể đạt được mục đích cuối cùng như mong muốn của các bên tham gia.
Thứ ba, cơ quan và địa điểm giải quyết tranh chấp là một trong những vấn đề mà các bên nên thận trọng cân nhắc.
Trong quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế, các bên tham gia sẽ đến từ nhiều quốc gia khác nhau.Song, pháp luật quốc tế nhìn chung cũng chỉ điều chỉnh những vấn đề chung nhất, không thể điều chỉnh cặn kẽ mọi khía cạnh pháp lý của từng hợp đồng thương mại cụ thể. Do đó, trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể, việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp luôn là vấn đề gây ra tranh cãi bởi lẽ, các bên khó có thể am hiểu được pháp luật của một quốc gia khác để tự bảo vệ cho quyền lợi của mình trước bên đối tụng.
Hiện nay pháp luật quốc tế cũng đã phát triển hơn với hệ thống các điều ước quốc tế song phương và đa phương giải quyết phần nào các quan hệ thương mại mang tính chất đa quốc gia. Ngoài ra, việc địa điểm giải quyết tranh chấp thuộc lãnh thổ của một quốc gia khác còn gây tốn thời gian và hao tổn chi phí cho việc di chuyển, tham gia tố tụng, những khoản tiền này thậm chí có thể nhiều hơn giá trị lợi ích mà các bên có thể đạt được khi tranh chấp được giải quyết.
Thứ tư, về thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại
Theo quy định tại Điều 319 của Luật Thương mại 2005, thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về hợp đồng thương mại là 02 năm kể từ ngày mà quyền và lợi ích hợp pháp của một bên của hợp đồng bị xâm phạm. Do đó, khi phát sinh tranh chấp, các bên cần lưu tâm đến vấn đề thời hiệu để kịp thời tiến hành khởi kiện vụ án ra các cơ quan tài phán, tránh trường hợp để kéo dài thời gian dẫn đến mất quyền khởi kiện.
Công ty Tư vấn Lợi Thế đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được NHẬN TƯ VẤN MIỄN PHÍ qua số Hotline: 0987 860 038 hoặc Email: hoangtham.ltk@gmail.com