13 điều cần biết về công ty cổ phần năm 2021

24/06/2021 | 515

Luật Doanh nghiệp 2020 có  hiệu lực từ 01/01/2021. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp khách hàng chưa biết/nhớ hết những điều chỉnh về cơ cấu và đặc điểm của các loại hình công ty, trong đó có quy định về công ty cổ phần.

Tư vấn Lợi Thế tổng hợp và chia sẻ lại những thay đổi về công ty cổ phần từ 01/01/2021 như sau:


1. Điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông

Theo quy định mới, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty có một số quyền như: Xem xét biên bản, nghị quyết, quyết định, báo cáo tài chính của Hội đồng quản trị (HĐQT),.. thay vì ở mức từ 10% như trước (theo khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020).

Tuy nhiên, quyền đề cử người vào HĐQT, ban kiểm soát vẫn được quy định ở mức từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty giống như Luật Doanh nghiệp 2014.

Ngoài ra, Luật mới còn bổ sung bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông phổ thông (theo khoản 5 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020), bao gồm:

– Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại điều lệ công ty và pháp luật;

– Chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

– Nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Không được chào bán cổ phần riêng lẻ qua phương tiện thông tin đại chúng

Khoản 1 Điều 125 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ không phải là công ty đại chúng, cụ thể:

– Không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;

–  Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm trường hợp cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua không hết thì số cổ phần còn lại được bán cho người khác theo phương án chào bán cổ phần riêng lẻ với điều kiện không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) có chấp thuận khác.

Lưu ý: Từ 2021, sau khi mua bán cổ phần riêng lẻ làm thay đổi vốn điều lệ, doanh nghiệp không cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh như trước đây quy định tại khoản 4 Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2014.


3. Đổi tên Ban kiểm toán thành Uỷ ban kiểm toán

Theo quy định mới, công ty cổ phần có thể thành lập theo mô hình: ĐHĐCĐ, HĐQT và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT (theo điểm b khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020).

Như vậy so với Luật Doanh nghiệp 2014, Ban kiểm toán đã được đổi tên thành Uỷ ban kiểm toán.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định chi tiết cơ cấu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Uỷ ban kiểm toán tại Điều 161.


4. Ngưỡng biểu quyết chỉ còn trên 50%

Theo khoản 1 Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020, cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định.

Như vậy thay vì con số ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết tại Luật Doanh nghiệp 2014, nay cổ đông hoặc nhóm cổ đông chỉ cần sở hữu tổng số phiếu biểu quyết là trên 50% thì sẽ có quyền triệu tập cuộc họp và thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ (trừ một số trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 6 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020).


5. Biên bản họp ĐHĐCĐ vẫn có hiệu lực nếu chủ toạ và thư ký không ký

Trước đây, điểm i khoản 1 Điều 146 Luật Doanh nghiệp 2014 yêu cầu biên bản họp ĐHĐCĐ phải có chữ ký của chủ toạ và thư ký.

Tuy nhiên, ngoại lệ có trường hợp chủ tọa và thư ký từ chối nhưng biên bản họp ĐHĐCĐ vẫn có hiệu lực, nội dung này được quy định rõ tại điểm i khoản 1 Điều 150 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

 “1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác. Biên bản phải lập bằng tiếng Việt, có thể lập thêm bằng tiếng nước ngoài và có các nội dung chủ yếu sau đây:

i) Họ, tên, chữ ký của chủ tọa và thư ký.

Trường hợp chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản này. Biên bàn họp ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp”.


6. Quyền khởi kiện của cổ đông, nhóm cổ đông

Theo khoản 1 Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2020.

So với quy định mới, quy định cũ tại Luật Doanh nghiệp 2014 có phần bị hạn chế hơn khi mà cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục 06 tháng thì mới có quyền khởi kiện.

7. Tăng thêm quyền hạn cho đại hội đồng cổ đông

Ngoài những quy định cũ, ĐHĐCĐ được tăng thêm một số quyền hạn đáng kể mà Luật Doanh nghiệp 2014 không đề cập đến như:

– Quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

– Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;

– Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết.


8. Cổ đông có thể uỷ quyền cho nhiều người dự họp ĐHĐCĐ

Trước đây, cổ đông có thể trực tiếp tham dự họp, ủy quyền bằng văn bản cho một người khác dự họp (theo khoản 1 Điều 140 Luật Doanh nghiệp 2014).

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ việc uỷ quyền cho một người và không quy định giới hạn số lượng ủy quyền là bao nhiêu người. Vì vậy, cổ đông sẽ có quyền ủy quyền cho nhiều người dự họp ĐHĐCĐ.


9. Tất cả cổ đông đều có quyền yêu cầu huỷ bỏ quyết định của HĐQT

Từ 2021, trường hợp nghị quyết, quyết định do HĐQT thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết ĐHĐCĐ, điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty, cổ đông của công ty có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định nói trên (theo khoản 4 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020).

Trước đây chỉ cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất 01 năm mới có quyền yêu cầu huỷ bỏ quyết định của HĐQT.


10. Thành viên độc lập không được tham gia HĐQT quá 2 nhiệm kỳ

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thành viên độc lập HĐQT không được tham gia HĐQT quá 02 nhiệm kỳ thay vì không hạn chế như trước tại khoản 2 Điều 154 Luật Doanh nghiệp 2014.

Quy định về các giấy tờ, giao dịch của công ty phải ghi rõ “thành viên độc lập” trước họ, tên của thành viên HĐQT tương ứng cũng đã được bãi bỏ.


11. Bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị

Khác với quy định cũ, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cụ thể trường hợp ĐHĐCĐ có quyền bãi nhiệm thành viên HĐQT nếu không tham gia các hoạt động của HĐQT trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng (theo điểm a khoản 1 Điều 160).


12. Người quản lý có trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại của công ty

Theo khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm quy định về trách nhiệm của người quản lý công ty quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020 chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba.

Điều 160 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về trách nhiệm của người quản lý công ty không có nội dung này. Với thay đổi trên, Luật Doanh nghiệp 2020 phần nào đã tăng thêm vai trò và trách nhiệm của người quản lý công ty trong việc điều hành hoạt động của công ty.


13. Trưởng Ban kiểm soát, kiểm soát viên phải có bằng đại học chuyên ngành

Điều 103 Luật Doanh nghiệp 2014 không quy định rõ về bằng cấp đối với trưởng ban kiểm toán và kiểm soát viên mà chỉ yêu cầu là đã được đào tạo một trong các chuyên ngành về tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh.

Tuy nhiên, từ 01/01/2021, trưởng Ban kiểm soát, kiểm soát viên phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định tiêu chuẩn khác cao hơn (theo điểm a khoản 3 Điều 103 Luật Doanh nghiệp 2020).

Công ty Tư vấn Lợi Thế  đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệthuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.

Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.

Hotline: 0987.860.038 (zalo/facebook, Ms Thắm)