Những điều cần biết trước khi thành lập công ty
29/06/2022 | 467Điều kiện về chủ thể
+ Có CMND/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu;
+ Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
+ Không thuộc đối tượng không được thành lập doanh nghiệp (Công chức, viên chức…);
Xác định thành viên/cổ đông góp vốn hay sẽ tự đầu tư
Đây là vấn đề quan trọng bạn cần phải xác định, số thành viên sẽ ảnh hưởng đến loại hình công ty khi thành lập.
Các thành viên/cổ đông góp vốn là những người có thể quyết định sự tồn tại, phát triển hoặc giải thể doanh nghiệp. Hợp tác được những thành viên/cổ đông đồng quan điểm, lý tưởng sẽ là một trong những điều quyết định cho việc thành công của công ty và ngược lại. Hãy suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn hợp tác để cùng thành lập công ty.
Lựa chọn loại hình doanh nghiệp
Thời điểm hiện tại, có 4 loại hình công ty được đăng ký phổ biến là:
Công ty TNHH một thành viên: Do 1 cá nhân hoặc 1 tổ chức làm chủ (có thể thuê, mướn đại diện pháp luật);
Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Có từ 2 đến không quá 50 thành viên góp vốn, thành viên có thể là cá nhân/tổ chức (có thể thuê, mướn đại diện pháp luật);
Công ty cổ phần: Có từ 3 cá nhân hoặc tổ chức trở lên và không hạn chế số lượng cổ đông (có thể thuê, mướn đại diện pháp luật);
Doanh nghiệp tư nhân: Do 1 cá nhân làm chủ, chịu trách nhiệm vô hạn bằng chính tài sản cá nhân (Loại hình này rất ít người lựa chọn do tính rủi ro về mặt pháp lý cao);
Các loại hình công ty đều có thể chuyển đổi qua lại được nên khi thành lập bạn cũng không cần quá đặt nặng vấn đề loại hình nào. Sau khi hoạt động ổn định mình hoàn toàn có thể chuyển đổi loại hình cho phù hợp hơn nếu cần.
Đặt tên công ty
Tên công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố:
“Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng”
Xu hướng các doanh nghiệp mới thành lập thường đặt tên liên quan đến những ngành nghề dự định kinh doanh hiện tại và cả các ngành có thể phát triển trong quá trình kinh doanh sau này. Hoặc bạn cũng có thể đặt tên doanh nghiệp ghép kèm các từ tiếng Anh.
Hiện tại, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới ngày càng nhiều. Do đó, trước khi đăng ký tên doanh nghiệp, bạn nên lựa chọn một vài tên dự kiến sau đó tham khảo tên các doanh nghiệp đang hoạt động tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để khi đăng ký tỷ lệ thành công cao nhất.
Địa chỉ trụ sở công ty
Địa chỉ trụ sở công ty được xác định gồm: 4 cấp
“Số nhà kèm tên đường + tên phường/ xã/ thị trấn + tên quận/ huyện/ thị xã/TP thuộc tỉnh + TP trung ương/ tỉnh”
Nếu nơi đặt trụ sở chưa có số nhà hoặc chưa có tên đường thì phải có xác nhận của địa phương là địa chỉ đó chưa có số nhà, tên đường nộp kèm theo hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Nếu địa chỉ dự định thuê làm trụ sở văn phòng trong tòa nhà/ nhà chung cư, bạn nên kiểm tra xem giấy tờ căn hộ đó có chức năng thương mại/ làm văn phòng hay không trước khi tiến hành ký hợp đồng thuê.
Ngành nghề kinh doanh
Theo quy định, doanh nghiệp có quyền kinh doanh bất cứ ngành nghề nào pháp luật không cấm và cần đăng ký với cơ quan Đăng ký kinh doanh trước khi hoạt động.
Trước khi thành lập, cần lưu ý xem ngành nghề mình dự định kinh doanh có thuộc danh sách ngành bị cấm hay kinh doanh có điều kiện hay không để thực hiện quá trình kinh doanh đúng quy định của pháp luật.
Vốn điều lệ của doanh nghiệp
Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong vòng 90 ngày. Pháp luật không quy định cần phải chứng minh về vốn khi thành lập doanh nghiệp. Trừ trường hợp ngành nghề đăng ký của công ty yêu cầu vốn pháp định thì vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định này.
Vốn điều lệ sẽ ảnh hưởng đến mức thuế môn bài phải nộp hàng năm của doanh nghiệp, đồng thời là yếu tố xem xét khi các bên đối tác của bạn tham khảo hợp tác.
Vậy nên đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu?
Doanh nghiệp nên lựa chọn mức vốn điều lệ hợp lý. Không nên đăng ký quá thấp hoặc quá cao vì thủ tục tăng vốn điều lệ công ty tương đối đơn giản, trong khi đó thủ tục giảm vốn điều lệ công ty lại tương đối nhiều điều kiện và cần thời gian nhất định.
HỒ SƠ CẦN CHUẨN BỊ ĐỂ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
1. Giấy tờ tùy thân
CMND/CCCD hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực (bản sao có chứng thực) của chủ đầu tư, các thành viên góp vốn, cổ đông và người đại diện theo pháp luật.
2. Hồ sơ đăng ký
+ Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh;
+ Điều lệ Công ty;
+ Danh sách thành viên/cổ đông (TNHH hai thành viên trở lên, Cổ phần);
+ Và một số giấy tờ khác tùy trường hợp đặc biệt;
THỦ TỤC – QUY TRÌNH – THỜI GIAN THÀNH LẬP CÔNG TY
1. Thủ tục, quy trình thành lập công ty
+ Chuẩn bị các thông tin về công ty dự định thành lập và các giấy tờ tùy thân như đã trình bày;
+ Nộp hồ sơ + Nhận kết quả giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đăng bố cáo;
+ Khắc dấu pháp nhân + Thông báo mẫu dấu tại Sở Kế hoạch & Đầu tư;
+ Đăng ký mua chữ ký số (Token);
+ Mở tài khoản ngân hàng;
+ Làm thủ tục khai thuế ban đầu tại Cơ quan quản lý thuế trực tiếp;
+ Thông báo phát hành hóa đơn.
2. Thành lập công ty mất bao lâu? (Từ 3 – 25 ngày làm việc)
Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 3 – 5 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ;
Thời gian đăng bố cáo, khắc con dấu, thông báo mẫu con dấu: 3 – 5 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ;
Kê khai thuế ban đầu + đăng ký hóa đơn điện tử và thông báo phát hành hóa đơn: 15 – 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.
3. Những điều cần làm sau khi thành lập công ty
+ Mở tài khoản ngân hàng, thông báo tài khoản ngân hàng với Sở Kế hoạch và Đầu tư;
+ Khắc bảng hiệu và treo bảng tại trụ sở công ty;
+ Lập sổ sách kế toán của Doanh nghiệp;
+ Báo cáo thuế hàng tháng/quý;
+ Báo cáo sử dụng lao động mỗi năm 2 lần;
+ Báo cáo tài chính mỗi năm 1 lần;
+ Về thuế môn bài : Doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 25/2/2021 sẽ được miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên hoạt động.
TT | Vốn đăng ký (đồng) | Mức thu lệ phí môn bài cả năm (đồng/năm) |
1 | Trên 10 tỷ | 3.000.000 |
2 | Từ 10 tỷ trở xuống | 2.000.000 |
3 | Chi nhánh, địa điểm kinh doanh… | 1.000.000 |
Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc của Quý khách hàng về câu hỏi: khi thành lập công ty cần biết và cần làm những việc gì. Để biết thêm thông tin chi tiết và tư vấn về vấn đề này Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp với Tư vấn Lợi Thế theo một trong các phương thức sau:
Địa chỉ: Quốc lộ 39a, km 17+500, thôn Nghĩa Giang, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Số điện thoại: – 0987 860 038
Email: hoangtham.ltk@gmail.com
Tư vấn Lợi Thế rất hân hạnh khi được đồng hành cùng Quý Khách hàng!