Hỏi – Đáp: Trường hợp nào người nước ngoài bị trục xuất về nước?
05/11/2021 | 532HỎI:
Trục xuất là gì và trường hợp nào người nước ngoài bị trục xuất về nước theo các quy định của pháp luật hiện hành?
TRẢ LỜI:
Trục xuất là gì?
Về cơ bản, trục xuất là một biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài, người không quốc tịch được cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện và xử lý bằng cách buộc những người này ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất mang tính cưỡng chế thi hành với những đối tượng bị áp dụng hình phạt.
Trường hợp nào người nước ngoài bị trục xuất về nước?
Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính hoặc phạm tội hình sự thì có thể bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể:
Trục xuất khi phạm tội hình sự
Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về trục xuất như sau:
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Hình phạt trục xuất tại Điều 37 Bộ luật Hình sự là hình phạt riêng biệt dành cho các đối tượng phạm tội là người nước ngoài, người không quốc tịch.
Trường hợp Tòa án đã áp dụng hình phạt chính là các hình phạt khác, không phải là trục xuất. Tuy nhiên, nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án có thể áp dụng trục xuất như là một hình phạt bổ sung.
Trục xuất khi có hành vi vi phạm hành chính
Người nước ngoài tại Việt Nam khi tham gia vào các quan hệ xã hội đôi khi cũng sẽ có hành vi vi phạm pháp luật hành chính.
Ngoài việc bị áp dụng các chế tài xử phạt hành chính như cảnh cáo, phạt tiền,… thì người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Cụ thể, Điều 27 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về trục xuất như sau:
1. Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dựa vào các quy định trên, có thể thấy, trục xuất trong pháp luật hình sự và hành chính có nhiều nét tương đồng chung. Tuy nhiên, so với hình phạt trục xuất trong tố tụng hình sự:
– Hậu quả của hành vi vi phạm hành chính nhỏ hơn hậu quả của hành vi phạm tội hình sự gây ra.
– Trong lĩnh vực hình sự, cơ quan có thẩm quyền quyết định trục xuất người nước ngoài phạm tội hình sự là Tòa án. Còn trong lĩnh vực hành chính, người có thẩm quyền ra quyết định trục xuất là Giám đốc cơ quan công an cấp tỉnh và Cục trưởng cực quản lý xuất nhập cảnh.
– Người phạm tội bị Tòa án ra quyết định trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam thì bị xem là một án tích. Còn nếu họ bị áp dụng chế tài trục xuất trong lĩnh vực hành chính thì không bị xem là một án tích.
Trục xuất khi không có giấy phép lao động tại Việt Nam
Theo Điều 153 Bộ luật Lao động 2019, người lao động nước ngoài có trách nhiệm xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nếu người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động thì sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật.
Quyền, nghĩa vụ của người bị trục xuất
Điều 8 Nghị định 112/2013/NĐ-CP quy định các quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất như sau:
Người bị trục xuất có quyền:
– Được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất là 48 giờ trước khi thi hành;
– Được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mình để được bảo vệ, trợ giúp;
– Được thực hiện các chế độ ăn, mặc, sinh họạt riêng trong thời gian chờ làm thủ tục trục xuất;
– Được mang theo tài sản hợp pháp ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
– Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Người bị trục xuất có nghĩa vụ:
– Thực hiện đầy đủ các quy định trong quyết định trục xuất;
– Xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh;
– Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
– Nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có);
– Hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Công ty Tư vấn Lợi Thế đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.
Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.