Công chức từ cấp huyện trở lên là đối tượng nào?
08/06/2023 | 292Quy định về cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên
Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. (Khoản 1, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008).
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. (Khoản 1, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).
Cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên là người thỏa mãn khái niệm nêu trên.
Cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên nêu trên có sự khác biệt với cán bộ, công chức cấp xã, cụ thể:
– Cán bộ cấp xã là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội;
– Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Công chức từ cấp huyện trở lên gồm những ai?
Theo Nghị định 06/2010/NĐ-CP thì công chức trong cơ quan hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện gồm có:
– Ở cấp tỉnh:
+ Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân;
+ Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân;
+ Trưởng ban, Phó Trưởng ban, người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thuộc Ủy ban nhân dân.
– Ở cấp huyện:
+ Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng và người làm việc trong Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
+ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng và người làm việc trong văn phòng Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân;
+ Người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.
Một số trường hợp công chức cấp xã thuộc biên chế của UBND quận, thị xã, thành phố thuộc TP trực thuộc Trung ương
**Tại TPHCM, theo Nghị định 33/2021/NĐ-CP có quy định chuyển tiếp về việc chuyển cán bộ, công chức cấp xã đang làm việc tại UBND phường thành công chức thuộc biên chế UBND quận, thành phố thuộc TPHCM như sau:
Điều 42. Điều khoản chuyển tiếp
1. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm đó.
Phòng Nội vụ rà soát hồ sơ cán bộ, công chức cấp xã đang làm việc tại Ủy ban nhân dân phường để báo cáo Chủ tịch quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ, Chủ tịch quận, Chủ tịch thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định chuyển cán bộ, công chức cấp xã đang làm việc tại Ủy ban nhân dân phường thành công chức thuộc biên chế Ủy ban nhân dân quận, thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường do Chủ tịch quận, thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị Sở Nội vụ xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật và phân cấp.
…
**Tại Hà Nội, theo Nghị định 32/2021/NĐ-CP có quy định chuyển tiếp về việc chuyển công chức cấp xã làm việc tại UBND phường thành công chức thuộc biên chế của UBND quận, thị xã như sau:
Điều 30. Điều khoản chuyển tiếp
…
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm đó.
Phòng Nội vụ quận, thị xã rà soát hồ sơ công chức cấp xã đang làm việc tại Ủy ban nhân dân phường để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã. Sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã ban hành quyết định chuyển công chức cấp xã đang làm việc tại Ủy ban nhân dân phường thành công chức do Ủy ban nhân dân quận, thị xã quản lý.
Việc bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã có văn bản đề nghị Sở Nội vụ thành phố Hà Nội xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.
**Tại Đà Nẵng, theo Nghị định 34/2021/NĐ-CP có quy định chuyển tiếp về việc chuyển công chức cấp xã đang làm việc tại UBND phường thành công chức thuộc UBND quận quản lý như sau:
Điều 38. Điều khoản chuyển tiếp
1. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm đó.
Phòng Nội vụ rà soát hồ sơ công chức cấp xã đang làm việc tại Ủy ban nhân dân phường để báo cáo Chủ tịch quận. Sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ, Chủ tịch quận ban hành quyết định chuyển công chức cấp xã đang làm việc tại Ủy ban nhân dân phường thành công chức thuộc biên chế Ủy ban nhân dân quận.
Việc bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường do Chủ tịch quận có văn bản đề nghị Sở Nội vụ xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong các trường hợp vừa nêu thì công chức cấp xã làm việc tại UBND phường nhưng được chuyển thành công chức thuộc UBND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố quản lý.
Công ty Tư vấn Lợi Thế đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luậtdoanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.
Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.