2 trường hợp chấm dứt kinh doanh của hộ kinh doanh
20/11/2023 | 197Việc chấm dứt kinh doanh của hộ kinh doanh có thể chia thành hai trường hợp:
Trường hợp 1: Hộ kinh doanh có nhu cầu chấm dứt kinh doanh: Cũng giống như các doanh nghiệp khác, hộ kinh doanh phải đối mặt với những khó khăn khi hoạt động. Khi không còn biện pháp nào khác để khắc phục những khó khăn thì chấm dứt kinh doanh là sự lựa chọn tối ưu cho các hộ kinh doanh.
Trường hợp 2: Hộ kinh doanh bị buộc phải chấm dứt kinh doanh: Trong quá trình hoạt động, hộ kinh doanh sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, buộc phải chấm dứt hoạt động kinh doanh nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 93 Nghị định 01/2021/NĐ-CP:
– Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký là giả mạo.
– Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế.
– Kinh doanh ngành, nghề bị cấm.
– Hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh.
– Không gửi báo cáo đúng hạn hoặc không có yêu cầu bằng văn bản theo quy định.
– Các trường hợp khác theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền theo luật.
Như vậy, sau khi có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 92 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Hồ sơ chấm dứt kinh doanh của hộ kinh doanh
Nếu thuộc một trong các trường hợp chấm dứt hoạt động kinh doanh nêu trên thì hộ kinh doanh cần phải gửi hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký hộ kinh doanh để thông báo về việc chấm dứt hoạt động.
Điều 92 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định về thành phần hồ sơ chấm dứt kinh doanh của hộ kinh doanh như sau:
– 01 Thông báo chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh: Thông báo này phải được soạn theo mẫu Phụ lục III-5 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT;
– 01 Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
– 01 Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của Cơ quan thuế;
– 01 Bản sao của Biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– 01 Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là cá nhân thành lập hoặc người đại diện của hộ gia đình thành lập hộ kinh doanh (nếu có);
– 01 Bản sao một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người được ủy quyền thực hiện thủ tục (nếu có).
Thủ tục chấm dứt kinh doanh của hộ kinh doanh
Trình tự, thủ tục chấm dứt kinh doanh của hộ kinh doanh cũng là vấn đề cần được lưu tâm. Bởi lẽ, tùy từng trường hợp chấm dứt kinh doanh mà trình tự, thủ tục cũng được quy định khác nhau.
Trường hợp 1: Hộ kinh doanh chấm dứt kinh doanh theo nhu cầu: Căn cứ Điều 92 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì:
– Trước tiên, hộ kinh doanh cần phải thông báo với cơ quan thuế về việc chấm dứt mã số thuế và hoàn thành các nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh.
Hộ kinh doanh cần phải làm thủ tục này để được nhận kết quả xác nhận của cơ quan thuế về các khoản thuế phát sinh trong thời gian hộ kinh doanh hoạt động tính đến thời điểm giải thể như: Lệ phí môn bài, thuế khoán.
– Nếu như hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn trong thời gian hoạt động thì cần phải làm thông báo hủy hóa đơn và nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến thời điểm chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.
Trường hợp 2: Hộ kinh doanh bị buộc phải chấm dứt kinh doanh: Theo quy định tại Điều 93 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì:
– Nếu trong hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh có nội dung kê khai là giả mạo thì hộ kinh doanh sẽ bị Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo về hành vi vi phạm của hộ kinh doanh và ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
– Nếu trong hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh mà có nội dung giả mạo thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ:
- Ban hành thông báo về hành vi vi phạm của hộ kinh doanh;
- Hủy bỏ những thay đổi trong nội dung đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện trên cơ sở các thông tin giả mạo
- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trên cơ sở hồ sơ hợp lệ gần nhất trước đó, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu hộ kinh doanh không thực hiện thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh lại cho hợp lệ thì sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và buộc chấm dứt hoạt động.
– Nếu hộ kinh doanh ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký hoặc không gửi báo cáo theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 93 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì sẽ bị Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện:
- Ban hành văn bản thông báo về hành vi vi phạm;
- Yêu cầu chủ hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện để giải trình.
Nếu sau 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn ghi trong thông báo mà hộ kinh doanh không đến hoặc giải trình không được chấp thuận thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và hộ kinh doanh buộc phải chấm dứt hoạt động.
– Nếu hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề bị cấm thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo về hành vi vi phạm và ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
– Nếu như chủ thể thành lập hộ kinh doanh là người không được quyền thành lập theo quy định pháp luật sẽ bị Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo về hành vi vi phạm và ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Lưu ý rằng, nếu thành viên hộ gia đình thành lập hộ kinh doanh và trong đó có thành viên không được quyền thành lập hộ kinh doanh thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo yêu cầu hộ kinh doanh đăng ký thay đổi cá nhân đó.
Nếu quá thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày trên mà hộ kinh doanh không đăng ký thay đổi thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra thông báo về hành vi vi phạm và ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
– Đối với trường hợp hộ kinh doanh bị Tòa án quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trên cơ sở quyết định của Tòa án trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án.
– Đối với trường hợp hộ kinh doanh bị cơ quan có thẩm quyền đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
3 lưu ý khi chấm dứt kinh doanh của hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh khi chấm dứt kinh doanh cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
– Một là, hộ kinh doanh vẫn có thể chấm dứt hoạt động kinh doanh ngay cả khi chưa thanh toán hết nợ nếu như hộ kinh doanh và chủ nợ có thoả thuận với nhau về các khoản nợ;
– Hai là, tại Khoản 4 Điều 67 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định nếu hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động kinh doanh mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì chủ hộ, cá nhân có trách nhiệm nộp phần tiền thuế nợ còn lại;
– Ba là, khi chấm dứt kinh doanh mà hộ kinh doanh không thông báo hoặc không nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng.
Đồng thời bị buộc phải thông báo hoặc nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (theo Điều 44 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).
Công ty Tư vấn Lợi Thế đặc biệt chuyên sâu trên các lĩnh vực sau:
• Tư vấn pháp luật doanh nghiệp Việt Nam (Bao gồm doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài), Giấy phép con.
• Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, thuế – kế toán.
• Tư vấn pháp luật dân sự, hình sự, bảo hiểm, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình.
Quý khách hàng có yêu cầu dịch vụ hay yêu cầu tư vấn, vui lòng liên lạc với chúng tôi để được hỗ trợ và sử dụng dịch vụ với chi phí thấp, hiệu quả cao nhất.